Xin cho tôi hỏi phương án cắt giảm quy định về kinh doanh hành nghề công chứng được quy định thế nào? - Quang Huy (Phú Yên)
Phương án cắt giảm quy định về kinh doanh hành nghề công chứng (Hình từ internet)
Ngày 19/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 87/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về ngành nghề kinh doanh: Hành nghề công chứng được quy định như sau:
** QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH:
(1) Thủ tục hành chính 1: Bổ nhiệm Công chứng viên (mã số 1.000112).
* Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Bỏ bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật, bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
Lý do: Đã có trong hồ sơ đăng ký đào tạo/bồi dưỡng nghề tại Học viện Tư pháp, không cần nộp lại.
- Bỏ Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
Lý do: Bộ Tư pháp là cơ quan cấp giấy chứng nhận này, không cần nộp lại.
- Chuẩn hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm khâu trung gian, thống nhất một cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính là Bộ Tư pháp.
Lý do: Tạo thuận lợi cho cá nhân/cơ quan trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
* Kiến nghị thực thi:
- Bãi bỏ điểm c, đ khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng 2014.
- Sửa đổi Điều 12 Luật Công chứng 2014.
Lộ trình thực hiện: 2024-2025.
(2) Thủ tục hành chính 2: Bổ nhiệm lại Công chứng viên (mã số 1.000100).
* Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Bỏ Bản sao Quyết định miễn nhiệm Công chứng viên.
Lý do: Bộ Tư pháp là cơ quan ban hành, không cần nộp lại.
- Chuẩn hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm khâu trung gian, thống nhất một cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính là Bộ Tư pháp.
Lý do: Tạo thuận lợi cho cá nhân/cơ quan trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
* Kiến nghị thực thi:
- Bãi bỏ điểm d khoản 4 Điều 16 Luật Công chứng 2014.
- Sửa đổi Điều 16 Luật Công chứng 2014.
Lộ trình thực hiện: 2024-2025.
(3) Thủ tục hành chính 3: Miễn nhiệm công chứng viên (trường hợp được miễn nhiệm) (mã số 1.000075).
* Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa: Chuẩn hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm khâu trung gian, thống nhất một cơ quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính là Bộ Tư pháp.
Lý do: Tạo thuận lợi cho cá nhân/cơ quan trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và đáp ứng yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
* Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điều 15 Luật Công chứng 2014.
Lộ trình thực hiện: 2024-2025.
** QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU, ĐIỀU KIỆN TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH:
(1) Yêu cầu, điều kiện 1: Điều kiện hành nghề công chứng đối với cá nhân: Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng (mã số G15.YCDK.00030)
* Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa: Bỏ điều kiện bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Lý do: Công chứng viên sẽ tự bảo đảm sức khỏe khi hành nghề.
* Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ khoản 5 Điều 8 Luật Công chứng 2014.
Lộ trình thực hiện: 2024-2025.
(2) Yêu cầu, điều kiện 2: Điều kiện hành nghề công chứng đối với cá nhân: Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật (mã số G15.YCDK.00028).
* Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa: Giảm thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật xuống còn 03 năm.
Lý do: Để tạo điều kiện cho người hành nghề công chứng.
* Kiến nghị thực thi: Sửa đổi khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng 2014.
Lộ trình thực hiện: 2024-2025.
Hồ Quốc Tuấn
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |