Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng từ 01/01/2025

Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng từ 01/01/2025
Quế Anh

Dưới đây là quy định về phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng từ 01/01/2025.

Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng từ 01/01/2025 (Hình từ internet)

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 40/2024/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.

Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng từ 01/01/2025

Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đã đưa vào khai thác, sử dụng được quy định tại Điều 8 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT như sau:

Khu Quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, nhà thầu bảo trì công trình đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ theo phạm vi quản lý, có trách nhiệm thực hiện các nội dung phòng ngừa thiên tai sau:

(1) Đối với công trình cầu nhỏ và cống:

- Đối với cầu nhỏ: phải khai thông dòng chảy kể cả thượng lưu và hạ lưu để bảo đảm thoát nước tốt. Các bộ phận dễ xói lở như tứ nón, đường đầu cầu, chân mố trụ, sân tiêu năng cần được sửa chữa và gia cố trước mùa mưa, bão;

- Đối với cống: phải khơi thông hố tụ, lòng cống, kể cả trước và trong mùa mưa bão, gia cố tường đầu, sân tiêu năng; cống nằm ở vị trí có đá, cây trôi thì phải có biện pháp gia cường chống đất đá, cây trôi lấp cống.

(2) Đối với công trình cầu trung và cầu lớn:

- Phải tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo quy định cũng như tiến hành sửa chữa, gia cố hàng năm, đặc biệt là các bộ phận dễ hư hỏng do mưa, lũ;

- Đối với cầu ở vùng có đá, cây trôi: phải thường xuyên kiểm tra gỡ bỏ cây và rác, không để bám vào thân trụ, đáy dầm;

- Đối với dòng sông, suối có thay đổi dòng chảy: cần có biện pháp chỉnh nắn dòng và gia cố hai bờ, mố cầu hợp lý;

- Đối với cầu lớn: phải thường xuyên theo dõi tốc độ gió trên cầu; trường hợp tốc độ gió trên cầu lớn hơn cấp gió theo quy định của thiết kế, phải kịp thời đóng cầu (tạm dừng lưu thông) và thông báo phân luồng giao thông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện.

(3) Đối với nền đường bộ: mái ta luy nền đường, lề đường được phát cỏ, san bạt đúng độ dốc thiết kế; những nơi địa chất mái ta luy không ổn định, cần phải làm kè hoặc gia cố mái dốc, những nơi nền đường thường xuyên bị ngập nước phải được gia cố lề, mái ta luy và sử dụng kết cấu mặt đường có khả năng chịu được ngập nước.

(4) Đối với rãnh thoát nước (bao gồm rãnh dọc, rãnh đỉnh, bậc nước và dốc nướ-: phải làm sạch cây cỏ, vét bùn, đá, bảo đảm thoát nước tốt. Các hư hỏng của rãnh làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước phải được sửa chữa trước mùa mưa, lũ.

(5) Đối với đường tràn, ngầm: phải được sửa chữa mặt, ta luy, sân tiêu năng thượng lưu, hạ lưu và sơn sửa hệ thống báo hiệu, cọc tiêu, cột thủy chí. Khi nước rút, phải kiểm tra tình trạng đường tràn, ngầm, chỉ lưu thông khi bảo đảm an toàn.

(6) Đối với hệ nổi, cầu phao, phà và ca nô:

- Phải cố định chặt các đồ vật trên phương tiện bảo đảm không bị đổ vỡ hoặc dịch chuyển trong quá trình vận hành phương tiện;

- Bảo đảm độ kín nước của các nắp boong. Thành và đáy phà, phao, ca nô không bị thủng, không bị hở;

- Bảo đảm phương tiện luôn hoạt động tốt, hệ thống bơm hút đủ khả năng bơm hút khô hầm, phương tiện, các boong hở đủ lỗ thoát nước và thoát nước tốt;

- Các âu giấu, hệ neo giữ đầy đủ để giấu phà, phao khi thiên tai xảy ra;

- Bố trí đầy đủ thiết bị cứu sinh, cứu hỏa.

(7) Đối với hầm đường bộ, hầm chui:

- Đối với các công trình hầm đường bộ: thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai phù hợp với quy mô công trình; dự kiến các tình huống có thể xảy ra (mất điện, nước mưa quá mức dự báo tràn vào hầm gây ngập hầm);

- Thường xuyên tiến hành kiểm tra để kịp thời sửa chữa, gia cố các bộ phận dễ hư hỏng do tác động của thiên tai như: hệ thống điện, hệ thống máy bơm, tiêu thoát nước, chống xói lở, đá lăn và cây trôi ở hai đầu hầm.

Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ

Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ phải đảm bảo nguyên tắc sau: 

- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013.

- Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

- Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong kế hoạch đề ra phải được đáp ứng về nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai và ứng cứu, khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

- Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các công trình giao thông, phương tiện hoạt động trên đường bộ; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;