Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Xin cho tôi hỏi Bộ Công thương kêu gọi hưởng ứng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 như thế nào? - Hồng Ánh (Bình Phước)

Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 26/02/2024, Bộ Công Thương ban hành Công văn 1168/BCT-TKNL về việc phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

1. Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Giờ Trái đất là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Trong những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân ở mọi tầng lớp khác nhau. Sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024 sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 23/3/2024.

Theo đó, để góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới, Bộ Công Thương đề nghị:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Giờ Trái đất diễn ra trong tháng 3 nhằm thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, cơ quan và người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố tham gia vào Chiến dịch;

+ Các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất cần lồng ghép với Chương trình tiết kiệm điện của địa phương thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo;

+ Vận động các tổ chức, cơ quan và người dân thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam

+ Chỉ đạo Tổng công ty, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 phổ biến tuyên truyền tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị điện lực trong tháng 3 năm 2024;

+ Thực hiện các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất kết hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 20/CT-TTg;

+ Vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất;

+ Đảm bảo an toàn lưới điện trong thời gian diễn ra sự kiện.

Bộ Công Thương mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được tổ chức thành công, thiết thực, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

Theo Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường như sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

- Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

- Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

- Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

353 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;