Bộ Tư pháp vừa thống nhất ban hành Thông tư 07/2019/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định hiện hành, phiếu yêu cầu đăng ký theo quy định tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP và Thông tư này bao gồm: Phiếu yêu cầu đăng ký thế chấp; Phiếu yêu cầu đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót; Phiếu yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp; Phiếu yêu cầu xóa đăng ký; Phiếu yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp (sau đây gọi là Phiếu yêu cầu);
Hình minh họa (nguồn internet)
Theo đó, phiếu yêu cầu phải có đầy đủ chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp và bên nhận thế chấp phù hợp với thông tin trong hợp đồng thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp trong trường hợp bên thế chấp, bên nhận thế chấp có người đại diện, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.
Sau đây là 06 trường hợp có liên quan đến chữ ký, con dấu trong Phiếu yêu cầu đáng chú ý:
TH1: Hợp đồng thế chấp, hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp đã được công chứng hoặc chứng thực thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên thế chấp, bên nhận thế chấp.
TH2: Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Nghị định 102/2017/NĐ-CP, bao gồm việc thay đổi do tổ chức lại pháp nhân, mua bán nợ hoặc do chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ dân sự khác theo quy định của pháp luật thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên nhận thế chấp mới hoặc của người đại diện hợp pháp của bên nhận thế chấp mới.
Trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp do sửa chữa sai sót thông tin về bên nhận thế chấp; rút bớt tài sản thế chấp; yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp; yêu cầu xóa đăng ký thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên nhận thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên nhận thế chấp.
TH3: Trường hợp yêu cầu xóa đăng ký và có biên bản thanh lý hợp đồng thế chấp hoặc văn bản đồng ý xóa đăng ký của bên nhận thế chấp hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận thế chấp thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của bên thế chấp hoặc của người đại diện hợp pháp của bên thế chấp.
TH4: Trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản là người yêu cầu đăng ký thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của quản tài viên, của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
TH5: Trường hợp xóa đăng ký theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 21 của Nghị định 102/2017/NĐ-CP mà người yêu cầu xóa đăng ký là Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại đã kê biên, xử lý tài sản thế chấp hoặc của cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án thì Phiếu yêu cầu chỉ cần có chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của các tổ chức, cá nhân này hoặc của người đại diện hợp pháp của cá nhân, pháp nhân mua tài sản thi hành án.
TH6: Trường hợp chi nhánh của pháp nhân được pháp nhân giao nhiệm vụ thực hiện chức năng của pháp nhân về đăng ký biện pháp bảo đảm theo điều lệ hoặc theo ủy quyền của người có thẩm quyền của pháp nhân phù hợp với quy định của pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điều này thì chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của chi nhánh thay thế cho chữ ký của người có thẩm quyền, con dấu (nếu có) của pháp nhân.
Xem toàn văn quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BTP có hiệu lực từ 10/01/2020.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |