Phiếu lý lịch tư pháp dùng vào việc gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Điều 7 Luật này quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức dưới đây có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình;

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:

a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 7 của luật này;

b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 điều 7 của luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Sự khác biệt cơ bản của 2 phiếu này là ở chỗ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa án. Nếu án đã được xóa thì ghi “không có án tích”. Phiếu số 2 ghi tất cả án tích mà không phân biệt đã được xóa hay chưa.

Theo Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp, thủ tục với cá nhân yêu cầu cấp Phiếu số 1 như sau:

1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:

a) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp phiếu;

b) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp phiếu,

2. Cá nhân nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:

a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp phiếu là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp thì không cần văn bản ủy quyền.

Theo Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp, thủ tục đối với cá nhân yêu cầu cấp phiếu số 2 được thực hiện tương tự quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 45 nói trên nhưng không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.

Nguồn: vnexpress.net

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

498 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;