Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)

Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu và tầm nhìn như sau:

* Mục tiêu phát triển đến năm 2030

** Mục tiêu tổng quát

Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.

** Mục tiêu cụ thể

- Về kinh tế:

(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/ năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD;

(2) Tỷ trọng GRDP của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,3%, khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 1,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 8,2%.

Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% trong GRDP của thành phố;

(3) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng bình quân khoảng 57 - 58%;

(4) Tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 7,5 - 8%/năm;

- Về xã hội:

(5) Quy mô dân số thường trú khoảng 10,5 - 11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người;

(6) Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90;

(7) Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 85 - 90%;

(8) Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế lên 80 - 85%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 60%;

(9) Tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%;

(10) Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia;

(11) Số giường bệnh/vạn dân đạt trên 38 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 19 bác sĩ; số dược sĩ/vạn dân đạt 3 dược sĩ; số điều dưỡng/bác sĩ đạt 3 - 4 điều dưỡng. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số;

- Về môi trường:

(12) Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 6,2%;

(13) Diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10-12 m2/người;

(14) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được thu, gom xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%;

(15) Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt 70%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%;

(16) Tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%;

- Về đô thị và nông thôn:

(17) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%;

(18) Tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị;

(19) Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2;

(20) Có 50% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tiệm cận các tiêu chuẩn đô thị;

(21) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

* Tầm nhìn đến năm 2050

Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85%.

Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 1569/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/12/2024

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;