Xin cho tôi hỏi Bộ Nông nghiệp phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” như thế nào? - Quang Tùng (Hải Phòng)
Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Hình từ internet)
Ngày 17/4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển như sau:
(1) Quan điểm
- Phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương; trọng tâm là điều kiện đất đai, định hướng cơ cấu cây trồng,... đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn, ưu tiên công tác giống và kỹ thuật canh tác; thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn.
- Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sắn trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ gia đình trồng sắn.
- Khuyến khích, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm sắn. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách và đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
(2) Mục tiêu
(2.1) Mục tiêu chung
Phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững; xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn; nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu và bảo vệ môi trường.
(2.2) Mục tiêu cụ thể
* Đến năm 2030:
- Sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%;
- Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%;
- Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%;
- Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2,0 tỷ USD.
* Tầm nhìn đến năm 2050:
Ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
(3) Định hướng phát triển
(3.1) Định hướng phát triển sản xuất sắn
Đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 480-510 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 11,5-12,5 triệu tấn định hướng phân bố tại 5 vùng trọng điểm như sau:
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Diện tích trồng đạt 100-105 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 1,8-2,0 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu,...;
- Vùng Bắc Trung Bộ: Diện tích trồng đạt 50-55 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 1,1-1,2 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình,...;
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Diện tích trồng đạt 85-90 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 2,1-2,3 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định,...;
- Vùng Tây Nguyên: Diện tích trồng đạt 150-160 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 3,5-3,7 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum,...;
- Vùng Đông Nam Bộ: Diện tích trồng đạt 90-95 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 3,1-3,3 triệu tấn; tập trung tại các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước,...;
(3.2) Định hướng phát triển chế biến sắn
Đến năm 2030, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn (tinh bột, etanol, mỳ chính,...). Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nha đường gluco, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi,...sử dụng sắn và tinh bột sắn làm nguyên liệu. Ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong chế biến sắn để nâng cao chất lượng, sử dụng tối đa sản phẩm phụ, bảo vệ môi trường.
Đối với lĩnh vực chế biến sắn, định hướng công suất chế biến tại các vùng đến năm 2030 như sau:
- Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Tổng công suất chế biến đạt 0,6-1,0 triệu tấn củ tươi/năm;
- Vùng Bắc Trung Bộ: Tổng công suất chế biến đạt 1,0-1,2 triệu tấn củ tươi/năm;
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Tổng công suất chế biến đạt 1,0-1,2 triệu tấn củ tươi/năm;
- Vùng Tây Nguyên: Tổng công suất chế biến đạt 2,0-2,2 triệu tấn củ tươi/năm;
- Vùng Đông Nam Bộ: Tổng công suất chế biến đạt 8,5-9,2 triệu tấn củ tươi/năm.
Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 1115/QĐ-BNN-TT có hiệu lực từ ngày 17/4/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | [email protected] |