Phạt doanh nghiệp không giao kết đúng loại HĐLĐ

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tùy vào tính chất, thời gian của công việc, đối tượng người lao động mà giữa các bên có sự thỏa thuận về loại hợp đồng phù hợp. Và người sử dụng lao động phải thật cẩn trọng trong việc lựa chọn đúng loại hợp đồng để ký kết với người lao động, nếu sai phạm sẽ bị xử lý.

 

Bộ luật lao động 2012 quy định có 03 loại hợp đồng sau:

  • HĐLĐ không xác định thời hạn. Đây là loại hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
  • HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
  • HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Khi HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Nếu không ký kết HĐLĐ mới thì:

  • HĐLĐ xác định thời hạn sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn;
  • HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng sẽ trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

Cần lưu ý: Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Theo đó, người sử dụng lao động giao kết không đúng loại HĐLĐ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:

  • Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1345 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;