Phản biện xã hội: Chức năng cơ bản của MTTQVN

Phản biện xã hội: Chức năng cơ bản của MTTQVN
Nguyễn Trinh

Hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN là việc Ủy ban MTTQVN các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của MTTQVN nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước. Vậy cụ thể hoạt động phản biện này được pháp luật quy định như thế nào?

 

1. Nguyên tắc phản biện xã hội

Theo quy định tại Điều 32 Luật MTTQVN 2015, hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN được thực hiện theo nguyên tắc:

  • Dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của thành viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân;
  • Tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.

2. Đối tượng, nôi dung và hình thức phản biện xã hội

Đối tượng phản biện xã hội của MTTQVN là dự thảo văn bản của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQVN.

Nội dung phản biện xã hội của MTTQVN bao gồm sự cần thiết; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi; đánh giá tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của dự thảo văn bản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức.

Việc phản biện xã hội được thực hiện thông qua hình thức:

  • Tổ chức hội nghị phản biện xã hội;
  • Gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội;
  • Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQVN với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội;
  • Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQVN ban hành nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều này.

3. Quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội

Theo nội dung tại Điều 35 Luật MTTQVN 2015, trong hoạt động phản biện xã hội, MTTQVN có các quyền và trách nhiệm sau:

  • Xây dựng nội dung, kế hoạch phản biện xã hội;
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo gửi dự thảo văn bản và thông tin, tài liệu cần thiết;
  • Thực hiện các hình thức phản biện xã hội;
  • Xây dựng văn bản phản biện và gửi đến cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện;
  • Yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện

Bên cạnh việc quy định quyền và trách nhiệm của MTTQVN, pháp luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện, cụ thể:

  • Gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến MTTQVN chậm nhất là 15 ngày trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết.
  • Cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại khi MTTQVN yêu cầu.
  • Trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của MTTQVN, trường hợp không tiếp thu kiến nghị thì phải giải trình; báo cáo ý kiến phản biện xã hội của MTTQVN với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản.

Đây là nội dung được quy định tại Điều 36 Luật MTTQVN 2015. 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

839 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;