Ngày 28/12/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 30/2012/TT-BKHCN quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân.
Phải có phương tiện theo dõi phân bố thông lượng nơtron trong lò phản ứng (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Điều 32 Thông tư 30/2012/TT-BKHCN quy định phân bố thông lượng nơtron trong vùng hoạt phải ổn định nội tại ở tất cả các trạng thái vận hành bao gồm cả trạng thái sau khi dừng lò, trong hoặc sau khi nạp nhiên liệu, khi có bất thường và sự cố; không làm suy giảm chất lượng vùng hoạt lò phản ứng. Hạn chế tối đa sự cần thiết phải sử dụng hệ thống điều khiển để duy trì hình dáng, mức và sự ổn định về thông lượng nơtron trong giới hạn thiết kế đã được xác định ở tất cả các trạng thái vận hành.
Đồng thời, phải có các phương tiện theo dõi phân bố thông lượng nơtron trong vùng hoạt lò phản ứng, bảo đảm để thông lượng nơtron trong vùng hoạt không vượt quá giới hạn thiết kế. Thiết kế của các thiết bị điều khiển độ phản ứng phải tính đến sự suy giảm chất lượng của thiết bị do ảnh hưởng của chiếu xạ, quá trình cháy, thay đổi tính chất vật lý, các khí được sinh ra.
Ngoài ra, phải giới hạn hoặc bù trừ độ phản ứng dương cực đại cũng như tốc độ tăng độ phản ứng khi vận hành và khi có sự cố. Bảo đảm chất lượng vùng hoạt lò phản ứng trong suốt vòng đời của nhà máy điện hạt nhân, ngăn ngừa hư hỏng biên chịu áp chất làm mát, duy trì khả năng làm mát và ngăn ngừa hư hại đáng kể vùng hoạt lò phản ứng.
Bên cạnh đó, tại Điều 33 Thông tư 30/2012/TT-BKHCN còn quy định phải có phương tiện bảo đảm khả năng dừng lò phản ứng trong tất cả các tình huống, kể cả khi lò phản ứng có độ phản ứng dương cao nhất. Hiệu quả, tốc độ và độ dự trữ dừng lò phản ứng phải bảo đảm để giới hạn thiết kế của nhiên liệu không bị vượt quá.
Đặc biệt, khi đánh giá hiệu quả của các phương tiện dừng lò phản ứng phải xem xét đến tất cả các sai hỏng trong nhà máy điện hạt nhân có thể làm vô hiệu một phần phương tiện dừng lò hoặc có thể dẫn đến các sai hỏng cùng nguyên nhân. Phương tiện dừng lò phản ứng phải đáp ứng yêu cầu: có ít nhất hai hệ thống độc lập và có thuộc tính khác nhau để loại trừ khả năng sai hỏng cùng nguyên nhân. Ít nhất một trong hai hệ thống dừng lò phải có khả năng duy trì trạng thái dưới tới hạn với độ dự trữ và độ tin cậy cao; ngăn ngừa độ phản ứng tăng lên dẫn tới trạng thái tới hạn không mong muốn khi nạp nhiên liệu, khi dừng lò phản ứng, hoặc lò phản ứng đang ở trạng thái dừng.
Lưu ý: Phải có các thiết bị chuyên dụng và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm các phương tiện dừng lò phản ứng luôn sẵn sàng tại bất kỳ trạng thái nào của nhà máy điện hạt nhân.
Chi tiết xem thêm quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BKHCN, có hiệu lực từ 11/02/2013.
Lê Vy
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |