"Nói xấu" đối thủ có vi phạm pháp luật cạnh tranh?

Hành vi "nói xấu" diễn ra giữa các cá nhân với nhau xảy ra hàng ngày: bạn bè nói xấu nhau, hàng xóm nói xấu nhau ngay cả họ hàng cũng có thể nói xấu nhau. Không chỉ cá nhân mà hành vi này cũng có thể được thực hiện giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau.

Doanh nghiệp nào cũng muốn có một chỗ đứng cao trên thị trường sản phẩm mà mình kinh doanh. Họ nghĩ đủ mọi cách, từ nâng cao chất lượng sản phẩm, chế độ đãi ngộ với khách hàng, liên tục tăng cường hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp thông qua các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những phấn đấu tích cực như vậy không thể không có những hành vi "không quang minh".

Thực tế cho thấy, thị trường cạnh tranh càng khốc liệt thì càng dễ xảy ra các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt theo thông tin gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm "nói xấu" nhau để nhằm hạ uy tín của đối thủ. Hành vi này được xem là hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, một trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004.

Điều 39. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật này bao gồm:

  1. Chỉ dẫn gây nhầm lần;
  2. Xâm phạm bí mật kinh doanh;
  3. Ép buộc trong kinh doanh;
  4. Gièm pha doanh nghiệp khác;
  5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác;
  6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
  7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
  8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;
  9. Bán hàng đa cấp bất chính;
  10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định của Luật này do Chính phủ quy định.

Hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, tức là bằng hành vi trực tiếp hay gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác. Những thông tin này có thể là những nội dung sai lệch, chưa được xác nhận về chất lượng sản phẩm, về tình hình tài chính, về uy tín và đạo đức của người quản lý, về cổ phiếu,... của đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Theo quy định của Nghị định 71/2014/NĐ-CP thì đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

  • Gièm pha doanh nghiệp khác bằng các hành vi trực tiếp (có thể thông qua lời nói, văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương); 
  • Gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp (có thể thông qua một bên thứ ba như khách hàng) trên phạm vi hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Riêng đối với hành vi gièm pha trực tiếp được thực hiện trên phạm vi hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

Như vậy, hành vi "nói xấu" nếu làm sai lệch suy nghĩ của khách hàng về đối thủ cạnh tranh của mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có thể bị phạt tiền đến 150.000.000 đồng theo quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

5322 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;