Những bất cập trong Pháp lệnh Thú y sẽ được khắc phục

Ngày 29-4-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua toàn văn Pháp lệnh Thú y, pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10- 2004 và thay thế Pháp lệnh thú y ngày 4-2-1993. Sau khi có hiệu lực thi hành, Pháp lệnh Thú y thực sự góp phần quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về thú y, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh; đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thú y, bảo đảm sự thống nhất với các Luật, Pháp lệnh khác. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động thú y nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu của tiến trình hội nhập của nước ta với các nước trong khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng vào thực tế cuộc sống, nhiều quy định trong Pháp lệnh Thú y không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là không đáp ứng được nghĩa vụ, quy định của các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện khi đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Mặt khác, một số nội dung của Pháp lệnh chưa phù hợp và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác thú y... Đó là các quy định về điều kiện công bố dịch bệnh theo pháp lệnh hiện hành là phải phụ thuộc vào báo cáo tình hình dịch bệnh của UBND cấp huyện. Quy định này đã dẫn đến hiện tượng công bố dịch chậm, thậm chí không chính xác, không kịp thời ở một số địa phương.

Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 17 của pháp lệnh có quy định như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố dịch bệnh động vật khi có đủ các điều kiện sau đây: Dịch bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra trong tỉnh có khả năng lây lan rộng; Có báo cáo bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh; Có kết luận chẩn đoán xác định là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch và có văn bản đề nghị công bố dịch của cơ quan quản lý nhà nước về thú y cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản. Với quy định như trên quả là rất khó thực thi, bởi pháp lệnh quy định “có khả năng lây lan rộng” thì mới công bố dịch bệnh. Trong khi đó, việc xác định có khả năng lây lan rộng không phải đơn giản. Bên cạnh đó là cần phải có văn bản đề nghị công bố dịch của cơ quan quản lý nhà nước về thú y cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản, thì Chủ tịch UBND tỉnh mới công bố vùng có dịch bệnh thì quả là quá nhiêu khê về thủ tục. Và với tốc độ xử lý va78n bản hành chính như hiện nay thì có khi dịch bệnh đã được dập tắt thì mới công bố, hoặc dịch bệnh đã lan rộng mới công bố.

Bất cập thứ hai là trong pháp lệnh chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã khi xảy ra những ổ dịch nhỏ, lẻ, trong diện hẹp ở một thôn, ấp, sóc của một xã. Bên cạnh đó, là pháp lệnh cũng chưa quy định cụ thể về quyền lợi của người chăn nuôi trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật nên chưa tạo được động lực thúc đẩy hoạt động này. Đồng thời, một số quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ qua thực tiễn áp dụng đã không còn phù hợp trong mua bán, trao đổi, lưu thông... Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật Thú y và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, thì những bất cập trên đây sẽ khắc phục và tạo sự thay đổi toàn diện trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi.

Luật Thú y gồm có 116 điều được phân bố thành 7 chương, gồm: Những quy định chung; Phòng chống dịch bệnh động vật; Kiểm dịch động vật, sản phảm động vật; Kiểm soát giết mổ động vật; Quản lý thuốc thú y; Hành nghề thú y; Điều khoản thi hành. Điểm mới trong luật này là đã bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm, như: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh; khai báo lập danh sách không đúng số lượng động vật mắc bệnh phải tiêu hủy với mục đích trục lợi; không thực hiện thông báo, công bố dịch, thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật. Về xử lý ổ dịch, luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của chủ vật nuôi, nhân viên thú y xã, UBND cấp xã. Chủ vật nuôi phải cách lý ngay động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không giết mổ, mua bán, vứt động vật chết ra môi trường....

Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là một trong những chương có nhiều quy định mới. Trong đó, luật đã sửa đổi quy định về nguyên tắc kiểm dịch động vật, không còn dực trên “số lượng lớn, khối lượng lớn” như pháp lệnh Thú y năm 2003, mà chuyển sang hướng kiểm soát theo mối nguy cơ về dịch bệnh động vật và có các quy định theo hướng mở đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi tỉnh. Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở đã được phòng bệnh bằng vắc xin và cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, thì khi vận chuyển ra khỏi tỉnh, chủ cơ sở chỉ cần thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, mà không phải làm thủ tục kiểm dịch nữa. Đây là điểm mới đột phá của Luật Thú y nhằm tạo điều kiện thông thoáng trong việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật trong nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi trong nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đồng thời, Luật Thú y cũng đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thú y, tránh gây phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, để luật Thú y thực sự đi vào cuộc sống, rất cần Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành luật này.

Nguồn: Bình Phước Online

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

385 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;