Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi, trong đó liệt kê các hành vi làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa.
Như thế nào là hành vi làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa? (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định về những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa cụ thể như sau:
- Những hành vi làm sai lệch di tích:
Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;
Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.
- Những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể:
Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể;
Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
Lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành vi khác trái pháp luật.
- Những trường hợp sau đây bị coi là đào bới trái phép địa điểm khảo cổ:
Tự ý đào bới, tìm kiếm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu vực bảo vệ di tích và địa điểm thuộc quy hoạch khảo cổ như di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng chế tác công cụ, thành lũy và các địa điểm khảo cổ khác;
Tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước.
Xem thêm chi tiết tại: Nghị định 98/2010/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 06/11/2010.
Nguyên Phú
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |