Đây là quy định nổi bật tại Thông tư 07/2019/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo như quy định chuyển tiếp tại Điều 13 Thông tư 07/2019/TT-NHNN, tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (tức là 01/01/2020), Ngân hàng Phát triển Việt Nam có tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động chưa bảo đảm quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý và gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Bộ Tài chính để báo cáo.
Hình minh họa (nguồn internet)
Phương án tối thiểu phải có các nội dung sau đây:
Các giới hạn, tỷ lệ cụ thể không đảm bảo theo quy định;
Biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo tuân thủ đúng quy định sau thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh phương án xử lý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh và tổ chức triển khai thực hiện theo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Thông tư 07/2019/TT-NHNN cũng quy định đối với các hợp đồng cấp tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục được thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng nói trên chỉ được thực hiện nêu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của Thông tư này.
Xem toàn văn quy định tại Thông tư 07/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ 01/01/2020.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |