Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam
Anh Hào

Dưới đây là nội dung nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Nhiệm  vụ  và  giải  pháp  phát  triển  du  lịch  cộng  đồng  tại  Việt  Nam

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam (Hình từ internet)

Ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3222/QÐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam

(1) Nhiệm vụ

- Đánh giá thực trạng tình hình phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam để phát hiện những vấn đề cần giải quyết trong khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, người lao động; khảo sát, đánh giá và đưa ra phương án hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đồng bào các dân tộc triển khai các hoạt động, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số, miền núi; nghiên cứu, đánh giá để xây dựng căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, cơ chế quản lý, phối hợp giữa các bên liên quan tham gia trong hoạt động du lịch cộng đồng.

- Đánh giá được ít nhất 30 điểm du lịch cộng đồng có mức hài lòng của khách du lịch đạt mức loại khá trở lên theo Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020), trong đó ít nhất 10 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt.

- Đánh giá được ít nhất 30 điểm du lịch cộng đồng có mức hài lòng của khách du lịch đạt mức loại khá trở lên theo Tiêu chuẩn Du lịch cộng đồng của ASEAN, trong đó ít nhất 10 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt.

(2) Giải pháp thực hiện

(2.1) Giải pháp tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn

- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng được cụ thể hóa tại Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… để hỗ trợ phát triển tại các điểm du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

- Nghiên cứu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc khai thác phát triển các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng, có nguồn gốc địa phương, đặc sản vùng miền dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa để phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

- Nghiên cứu một số chính sách khác liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

(2.2) Giải pháp về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật

- Xây dựng kế hoạch và chương trình hành động dài hạn đối với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất điểm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, giữ gìn cảnh quan, môi trường; đầu tư hạ tầng cho khu vực được lựa chọn; đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân tham gia phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch cộng đồng.

- Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được lựa chọn.

- Huy động đồng bộ các nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn mồi ban đầu cho các hộ gia đình, các thành viên trong cộng đồng để tạo cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cộng đồng.

- Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tổ chức cho khách du lịch tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe, khuyến khích sử dụng nguyên liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương như: hoạt động tắm/ngâm chân lá thuốc, spa, tắm khoáng, sản vật địa phương… các hoạt động thể thao dựa vào thiên nhiên như: trekking, chèo thuyền, chèo mảng, câu cá, đi xe đạp, lặn biển… gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

(2.3) Giải pháp về thị trường, xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng;

- Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch từ thị trường mục tiêu;

- Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch, thực hiện giới thiệu, quảng bá hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng tới thị trường nội địa và quốc tế;

- Ưu tiên xúc tiến, phát triển thị trường, thu hút khách du lịch quốc tế từ nội vùng ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Úc, khách du lịch nội địa từ các thành phố, trung tâm du lịch lớn đến trải nghiệm, sử dụng sản phẩm du lịch cộng đồng;

- Xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chủ thể liên quan, tổ chức xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, từng bước phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng của địa phương và quốc gia Việt Nam.

(2.4) Giải pháp về quy hoạch, khuyến khích đầu tư

- Tổ chức quy hoạch không gian các điểm du lịch cộng đồng.

Hỗ trợ bảo tồn, khôi phục văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc bản địa; phát triển làng nghề gắn với giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển du lịch cộng đồng; nghiên cứu và lựa chọn các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc của từng địa phương để phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng và bảo tồn môi trường văn hóa điểm đến.

Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của điểm du lịch cộng đồng; nâng cấp hoàn thiện hệ thống đường, hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, biển chỉ dẫn, công nghệ thông tin, wifi, điểm đón tiếp, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm dịch vụ, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí công cộng,… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

- Hỗ trợ kết nối và thu hút khách du lịch, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm kết nối các bên liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch cộng đồng.

Xem thêm tại Quyết định 3222/QÐ-BVHTTDL ngày 30/10/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;