Năm nào cũng vậy, cứ hễ đến dịp nghỉ Lễ, Tết tình trạng vé xe tăng giá là câu chuyện được nhiều người phản ánh, phàn nàn. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán năm 2017 sắp tới, giá vé phụ thu tăng 20%-60% giá vé so với ngày thường. Đa số người dân luôn ở trong tư thế sẵn sàng mua vé xe từ giữa tháng 11, tránh tình trạng không có vé thế nhưng cũng rất thiệt thòi cho một số người chậm chân hơn không mua được vé xe.
Lợi dụng những ngày cận Tết cháy vé, các nhà xe khách thi nhau tùy tiện tăng giá vé, hành khách dẫu biết vậy nhưng đành ngậm ngùi bấm bụng mà đi, chỉ mong kịp về quê ăn Tết.
Theo quy định các xe có đăng ký tuyến cố định tại bến xe thì Ban quản lý bến xe sẽ yêu cầu các nhà xe này đăng ký tuyến và giá vé cố định. Nhưng đối với những xe chạy dọc đường, không có tuyến cố định thì không thuộc diện phải đăng ký giá. Do đó phía cơ quan chức năng cũng khó can thiệp và xử lý được.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT thì các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải niêm yết giá theo đúng quy đinh của pháp luật (gồm cả thời gian và địa điểm), thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá cước (giá vé) bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng hoặc bằng hình thức phù hợp tại quầy bán vé, ở trong xe và bên ngoài xe để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng.
Theo đó, nếu nhà xe có những sai phạm trong việc niêm yết giá vé hoặc tự ý tăng giá vé thì thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP và Nghị định 49/2016/NĐ-CP với các mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi:
- Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
- Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi:
- Tái phạm nhiều lần đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá; niêm yết giá gây nhầm lẫn cho khách hàng;
- Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh Mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, phía nhà xe vi phạm buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.
Thực tế cho thấy người phát hiện hành vi sai phạm của nhà xe chính là hành khách đi trên xe đó, nhưng ít ai chịu “lên tiếng” để vạch trần hành vi sai phạm này. Do đó, hành khách đi xe nếu bị ép giá, thu phí không đúng với quy định thì nên thông báo về đường dây nóng của Ban quản lý bến xe nơi xuất bến để nhờ hỗ trợ. Tốt nhất là hành khách nên sớm đặt vé tại quầy vé của hãng xe khách chất lượng cao trong bến xe hoặc đặt vé online tại các website đáng tin cậy, tránh bắt xe ngoài đường hay mua lại vé xe từ người bán dạo.