Thông tư 21/2015/TT-BGTVT quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 05/06/2015.
Hình ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Theo đó, Thông tư 21/2015/TT-BGTVT quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vận tải đường sắt gồm:
- Căn cứ vào tính chất liên tục hoặc không liên tục và khối lượng nhiều hoặc ít của công việc, người sử dụng lao động xác định thời giờ thực hiện công việc cần thiết thực tế trong ngày để bố trí thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cụ thể phù hợp cho từng chức danh làm các công việc có tính chất đặc biệt theo chế độ ban, chế độ làm việc trên đoàn tàu quy định tại Thông tư này và phải có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn trước khi thực hiện.
- Thông báo trực tiếp cho người lao động, ghi vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định biểu giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong Nội quy lao động của doanh nghiệp về chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi quy định tại Thông tư này.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định một số quy định khác trong thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt như sau:
Đối với một số công việc không thể rời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động ăn, nghỉ tại chỗ để đảm bảo công việc.
Người sử dụng lao động phải bố trí để bảo đảm nơi ăn, nghỉ đối với các chức danh mà khi thường trực, khi xuống ban, ăn, nghỉ phải thực hiện tại nơi làm việc hoặc trên tàu.
Trong những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, sự cố giao thông, người sử dụng lao động được quyền huy động người lao động để khắc phục hậu quả, mau chóng khôi phục giao thông.
Nếu do yêu cầu của vận tải đường sắt mà không bố trí được cho người lao động nghỉ lễ tết theo đúng ngày quy định thì người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù số thời gian chưa được nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ luật Lao động.
Việc làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ vào ban đêm được thực hiện theo quy định chung của pháp luật lao động. Riêng các chức danh làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời giờ làm thêm không quá 22,5 giờ trong một tháng và tổng số không quá 150 giờ trong một năm.
Chi tiết xem tại Thông tư 21/2015/TT-BGTVT, có hiệu lực từ 01/08/2015.
Lê Hải
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |