Mức lương hưu cao nhất mà người lao động được nhận sẽ căn cứ theo tỷ lệ hưởng lương hưu, giai đoạn làm việc và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Cụ thể, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu được tính theo công thức sau đây:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất của người lao động là 75% (căn cứ theo số năm đóng BHXH được quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014);
- Tiền lương tháng đóng BHXH cũng được áp mức trần tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở và tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng (quy định này đã có từ Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007).
Như vậy, nếu xét trường hợp người lao động tham gia BHXH từ ngày 01/01/2007 trở đi thì một người có tỷ lệ hưởng lương hưu là 75% và có tiền lương tháng đóng BHXH là bằng 20 lần mức lương cơ sở sẽ có mức hưởng lương hưu cao nhất.
Tuy nhiên, do mãi đến Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 mới quy định áp mức trần tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 lần lương cơ sở cho nên sẽ có trường hợp người lao động có giai đoạn làm việc trước ngày 01/01/2007 không bị giới hạn mức trần và có mức tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở vì thế mà mức lương hưu được nhận cũng sẽ cao hơn rất nhiều.
Duy Thịnh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |