Với trường hợp nghỉ việc không có sự đồng ý của người sử dụng lao động (nghỉ việc không phép) thì người lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là sa thải.
Hình minh họa (nguồn internet)
Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 có quy định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Đồng thời, theo Khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định hướng dẫn cụ thể nội dung này như sau:
“1. Người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng quy định tại Khoản 3 Điều 126 của Bộ luật lao động như sau:
a) 05 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 01 tháng (30 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc;
b) 20 ngày làm việc cộng dồn trong khoảng thời gian tối đa 01 năm (365 ngày), kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc.”
Như vậy tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc, nếu người lao động nghỉ việc không phép và không có lý do chính đáng từ 05 ngày/tháng hoặc 20 ngày/năm thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật là sa thải.
Người lao động tự ý bỏ việc được coi là có lý do chính đáng nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:
- Do thiên tai, hỏa hoạn;
- Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Duy Thịnh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |