Tại Điều 113 Bộ Luật lao động 2012 có quy định như sau:
“Điều 113. Tạm ứng tiền lương, tiền tàu xe đi đường ngày nghỉ hằng năm
1. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
2. Tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường do hai bên thoả thuận.
Đối với người lao động miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe và tiền lương những ngày đi đường.”
Như vậy:
- Người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động ứng trước một khoản tiền ít nhất bẳng tiền lương của những ngày nghỉ và tất nhiên số tiền ứng trước này sẽ được trừ vào tiền lương của tháng Tết đó.
Ví dụ: Tết 2018 người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương trong 7 ngày nghỉ Tết, thì nếu 1 ngày lương là 300.000 VNĐ thì người lao động được ứng trước ít nhất là: 300.000 x 7 = 2.100.000VNĐ
- Ngoài ra theo Khoản 2 Điều 113 có quy định: Người lao động còn được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu xe đi lại (có thể thanh toán trước hoặc sau nếu có hóa đơn chứng từ hợp lý) với điều kiện người lao động ở miền xuôi làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và ngược lại người lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm việc ở miền xuôi.
Những trường hợp còn lại thì tùy theo chế độ, nội quy và thỏa thuận của doanh nghiệp với người lao động thì được mới được hưởng trợ cấp tiền tàu xe đi lại.
Người lao động được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ phép hằng năm mà chưa nghỉ. Điều này được quy định tại điều 144 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ
1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.”
Theo hướng dẫn chi tiết tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương
...
3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm tại Điều 114 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
a) Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;
b) Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
4. Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều này chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Tóm lại, người lao động ở các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định này để biết được quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên nên thỏa thuận trước với chủ doanh nghiệp của mình để tránh tình trạng mất việc sau Tết do mẫu thuẫn.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn