Ngày 18/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hình minh họa (nguồn internet)
Cụ thể, Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Trong trường hợp Nghị định 61 không quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Ngoài ra, Nghị định 135/2013/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Điều 36 Nghị định 61/2009/NĐ-CP quy định thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại như sau:
Các Văn phòng Thừa phát lại, Cơ quan thi hành án dân sự phải phối hợp với nhau trong việc cung cấp thông tin, thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án và thanh toán tiền thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.
Nếu trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì Cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.
Đối với các vụ việc đã được tổ chức thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành hoặc ngược lại thì nội dung yêu cầu phải nêu rõ kết quả thi hành trước đó, những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành tiếp và nội dung bảo lưu kết quả thi hành trước đó (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại, cơ quan thi hành án dân sự có thể chấp thuận đề nghị bảo lưu kết quả thi hành trước đó của đương sự để làm căn cứ tiếp tục tổ chức thi hành án.
Hơn nữa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm Thừa phát lại có trách nhiệm hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Cơ quan thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau trên địa bàn.
Xem thêm tại: Nghị định 135/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/12/2013.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |