Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân được hiểu như thế nào?

Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật Biên phòng Việt Nam 2020 được Quốc Hội chính thức thông qua ngày 11/11/2020 và thay thế Pháp lệnh Bộ đội biên phòng 1997 .

Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, Luật Biên phòng Việt Nam 2020

Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân được hiểu như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Điều 2 Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã giải thích khái niệm về “Nền biên phòng toàn dân” và “Thế trận biên phòng toàn dân” như sau:

- Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.

- Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Trước khi ban hành Luật Biên phòng Việt Nam 2020, khái niệm về “Nền biên phòng toàn dân” và “Thế trận biên phòng toàn dân” chưa được luật hóa, chỉ quy định nguyên tắc, nội dung tại Luật Biên giới quốc gia 2003.

Như vậy, có thể thấy, Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã quy định cụ thể về khái niệm, nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Do đó, nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận toàn dân được quy định như sau:

Đối với nền biên phòng toàn dân:

  • Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới;

  • Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới;

  • Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

  • Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại;

  • Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đối với thế trận biên phòng toàn dân:

  • Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới;

  • Xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng;

  • Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới;

  • Tổ chức Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

Chi tiết xem tại Luật Biên phòng Việt Nam 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1399 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;