Năm 2020: Tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng kéo lương hưu tăng

Thời gian vừa qua, Nhà nước vừa thông qua hàng loạt chính sách mới liên quan đến tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng. Điều này sẽ tác động tích cực đến chế độ lương hưu dành cho người lao động.

Chiều 12/11/2019, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, từ 1/7/2020 thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, ngày 15/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định tăng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng. Cụ thể:

- Địa bàn thuộc vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng.

- Địa bàn thuộc vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng.

- Địa bàn thuộc vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng.

- Địa bàn thuộc vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

Với những chính sách vừa được ban hành này sẽ tác động tích cực đến chế độ lương hưu của người lao động trong thời gian sắp tới.

(1) Về mức lương hưu thấp nhất được hưởng

Tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định “Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này”.

Như vậy, từ 1/7/2020 mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được đề cập trong trường hợp trên sẽ là 1,6 triệu đồng/tháng.

Tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng kéo lương hưu tăng

Hình minh họa (Nguồn internet)

(2) Về mức lương hưu được nhận hàng tháng

Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu được xác định theo công thức.

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng (tối đa 75%) x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được xác định tùy thuộc vào nơi công tác là đơn vị nhà nước hay tư nhân, cụ thể được quy định tại Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:

- Đối với tiền lương do Nhà nước quy định

+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.

+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.

- Đối với tiền lương do đơn vị quyết định   

+ Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

+ Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

Như vậy, việc tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng sẽ tác động làm cho chế độ lương hưu, bảo hiểm xã hội dành cho người lao động tăng lên một cách đáng kể. Đối với khối nhà nước, việc tăng lương cơ sở làm tăng mức tiền lương tháng đóng BHXH; tương tự, mức tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu của khối doanh nghiệp cũng tăng theo do việc tăng lương tối thiểu vùng.

Thu Ba

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2028 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;