Bài viết dưới đây sẽ đề cập các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã được đề ra tại Nghị quyết 163/2024/QH15.
Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (Hình từ Internet)
Ngày 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 163/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu như sau:
**Mục tiêu tổng quát:
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, Nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
**Mục tiêu cụ thể:
- Làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; giữ vững, mở rộng và tiến tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.
- Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm về ma túy, đặc biệt là tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
- Bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma túy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, trợ giúp pháp lý và tư vấn trong phòng, chống ma túy.
**Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:
- Hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy;
- Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá;
- Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;
- Hằng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%;
- Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy;
- Phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;
- Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;
- Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu;
- Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Xem thêm tại Nghị quyết 163/2024/QH15 ngày 28/11/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |