Tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội được xác định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, ngoài ra mức tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội phải bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu và bằng hoặc thấp hơn mức tối đa theo quy định của pháp luật.
Khoản 2.6 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc không được thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường; do đó, mức tiền lương tối thiểu tính đóng BHXH phải tương ứng với mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP, cụ thể:
- Mức 4.180.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;
- Mức 3.710.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;
- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;
- Mức 2.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Trong khi đó, theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Hiện tại, mức lương cơ sở được áp dụng theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP với mức là 1.490.000 đồng/tháng, do đó mức tiền lương tối đa tính đóng bảo hiểm xã hội được xác định như sau:
Mức tiền lương tối đa tính đóng bảo hiểm xã hội = 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng.
Mức đóng BHXH hàng tháng của người lao động được tính dựa theo mức tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội và tỷ lệ trích đóng bảo hiểm xã hội, trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ BHXH, 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% vào quỹ BHYT.
Duy Thịnh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |