Mua nhầm hàng dỏm, biết kiện ai?

Gần đây, trên cộng đồng mạng lan truyền một clip người đàn ông có hành vi đập sữa ra đường. Clip đã gây sự tò mò của không ít người, không biết vì lý do gì mà người này lại hành động như vậy. Sau khi tìm hiểu, được biết nguyên nhân là do con trai anh sau khi sử dụng được nửa hộp sữa thứ 3 mua tại cửa hàng thì bị tiêu chảy cấp, anh đã tới làm việc với phía cửa hàng và công ty nhưng không nhận được thông báo gì.

Thực tế, xảy ra rất nhiều vụ việc tương tự như vậy, lúc thì mua phải hàng dỏm, hàng nhái, lúc thì mua phải hàng hóa hết hạn sử dụng, rồi hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc,.. Người tiêu dùng họ cảm thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm nhưng họ chỉ biết hoặc là nhẫn nhịn hoặc là quá bức xúc rồi hành động thiếu suy nghĩ chứ không rõ phải kiện ai, phải làm gì để được bồi thường.

Đầu tiên, khi mua nhầm hàng giả - hàng nhái, hàng kém chất lượng người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền hoặc bồi thường, đồng thời thông báo cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất. Trường hợp hai bên phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng nên làm đơn tố cáo kèm chứng cứ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, những hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng bị nghiêm cấm, nếu vi phạm thì tùy theo tính, mức độ vi phạm mà bị khiếu nại, tố cáo, bị khởi kiện, bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp và có quyền yêu cầu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả; trường hợp có phát sinh tranh chấp thì có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP tùy từng mức độ hành vi vi phạm mà có thể phạt tiền, tịch thu hàng hóa, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh.

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng như sau:

"Điều 162. Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng."

Hoặc cấu thành tội sản xuất buôn bán hàng hóa quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

"Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh 

 1.   Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị  phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

 2.   Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a)  Có tổ chức;
b)  Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d)  Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3.  Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

4.  Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

5.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan khắp nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, để tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng phải cẩn thận trong việc lựa chọn loại hàng hóa, sản phẩm cần mua và nên tìm kiếm địa điểm mua hàng hóa đáng tin cậy.

 

3104 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;