Một số quy định cần biết về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp

Ngày 15/5/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 71/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.

Theo đó, Nghị định 71 đưa ra một số quy định liên quan về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp như sau:

Điều kiện về trình độ chuyên môn trong hoạt động 

Nghị định 71/2018/NĐ-CP quy định một số điều kiện cần phải có khi hoạt động trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp như sau:

  • Người quản lý: Phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật như hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý hoặc dầu khí);
  • Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp: Có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật như hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất hoặc khoan nổ mìn;
  • Chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật sau:
    • Chuyên ngành kỹ thuật: Vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn. Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;
    • Chuyên ngành kỹ thuật khác với các trường hợp liệt kê ở trên, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.
  • Thợ mìn thì phải có trình độ từ sơ cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định hoặc từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành quy định. Thợ mìn phải có thời gian làm công việc phục vụ nổ mìn tối thiểu 06 tháng.

Đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

Nghị định 71/2018/NĐ-CP quy định các đối tượng cần được huấn luyện kỹ thuật an toàn bao gồm:

  • Người quản lý;
  • Người lao động trực tiếp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
  • Người được giao quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp;
  • Chỉ huy nổ mìn;
  • Thợ mìn;
  •  Người phục vụ; người áp tải, điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
  • Người làm công tác phân tích, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

  • Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, giấy phép kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép dịch vụ nổ mìn tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định  thuộc thẩm quyền cấp phép, trừ các đối tượng  thuộc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.
  • Cơ quan được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ công nghiệp chủ trì tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng thuộc tổ chức sản xuất, kinh doanh, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.

Nghị định 71/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

-Thảo Uyên-

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1208 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;