Ngày 3-6-2008 Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử. Luật Năng lượng nguyên tử bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 tạo điều kiện phát triển các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
Thực trạng pháp luật về năng lượng nguyên tử
Những năm qua, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử còn thiếu các cơ chế, chính sách. Mặc dù đã có một số quy định về lĩnh vực này trong một số văn bản (Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Dân sự, Luật Khoáng sản), nhưng đến nay, văn bản pháp luật duy nhất có tính chuyên ngành mới chỉ ở tầm pháp lệnh, và cũng chỉ điều chỉnh một khía cạnh nhỏ trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, đó là Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ năm 1996 (Pháp lệnh 1996) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau hơn mười năm triển khai, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết, có thể nhận thấy rằng các quy định hiện hành về năng lượng nguyên tử nói chung, an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân nói riêng còn sơ lược, tản mạn, thiếu đồng bộ, hiệu lực thi hành thấp.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có các quy định đặc thù điều chỉnh vấn đề đầu tư, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân; chưa có các quy định về an toàn hạt nhân, kiểm soát để chống phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân, nhất là vấn đề ứng phó sự cố và bồi thường thiệt hại hạt nhân; chưa quy định rõ việc xử lý, quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, chất thải phóng xạ, kiểm soát chiếu xạ. Ngoài ra, thủ tục khai báo, đăng ký, cấp phép như hiện nay vẫn còn phức tạp, chưa tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ.
Mặc dù chúng ta đã có lộ trình chiến lược và kế hoạch tổng thể ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, nhưng để đạt được các mục tiêu đã đề ra của chiến lược, để có thể xây dựng và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo, đưa ngành năng lượng nguyên tử thật sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước, thì việc xây dựng và ban hành Luật Năng lượng nguyên tử như một luật chuyên ngành thống nhất điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hết sức cần thiết và cấp bách.
Một số nội dung đáng chú ý của Luật Năng lượng nguyên tử
Luật Năng lượng nguyên tử gồm 11 chương với 93 điều. Về tổng thể, Luật Năng lượng nguyên tử có được tính toàn diện với đầy đủ các quy định về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, để thấy được sự ưu việt của luật, cần phải đi sâu vào từng quy định cụ thể, đặc biệt, những quy định có tính chất đổi mới, tiên tiến hơn so với các quy định hiện hành.
Thứ nhất, thành lập Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Quy định về hai Hội đồng quốc gia là những điểm rất mới của Luật Năng lượng nguyên tử, được xây dựng trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước có nhà máy điện hạt nhân và nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam.
Thứ hai, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân cũng là một nội dung quan trọng trong Luật Năng lượng nguyên tử so với các luật khác. Theo thông lệ lập pháp của Việt Nam, gần như các cơ quan trực thuộc bộ không được quy định trong luật. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh đặc thù của ngành năng lượng nguyên tử là phải bảo đảm an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân ở mức cao và cần thiết phải giao trách nhiệm quản lý nội dung đó cho một cơ quan cụ thể cho nên quy định về cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân đã được đưa vào trong Luật Năng lượng nguyên tử.
Theo Ðiều 8 của Luật, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức việc khai báo chất phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân và việc cấp phép tiến hành công việc bức xạ; thẩm định an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện kiểm soát hạt nhân; tham gia ứng phó sự cố; xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin quốc gia về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; đào tạo; hợp tác quốc tế.
Thứ ba, xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Trong Pháp lệnh 1996 và Nghị định số 50/1998/NÐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (sau đây gọi là Nghị định 50) cũng đã có các quy định về xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ. Ðiều đáng chú ý và mang lại sự khác biệt của luật là quy định tại khoản 7 Ðiều 25 "Nhà nước đầu tư xây dựng kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia".
Thứ tư, cơ sở hạt nhân, các quy định về cơ sở hạt nhân nói riêng và các hoạt động liên quan vật liệu hạt nhân nói chung là điểm mới của Luật Năng lượng nguyên tử, khắc phục khoảng trống của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử hiện nay. Theo Luật Năng lượng nguyên tử, cơ sở hạt nhân bao gồm các loại như: lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; nhà máy điện hạt nhân; cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, hai nội dung rất đáng chú ý là quy định về lấy ý kiến nhân dân khi xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm nhà máy điện hạt nhân và quy định về công tác thông tin đại chúng.
Khoản 2 Ðiều 47 quy định nội dung hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm nhà máy điện hạt nhân, trong đó có "Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân thể hiện ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn".
Thừa nhận thực tế không ít người dân còn băn khoăn, lo ngại về nguy cơ mất an toàn của nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, các nhà làm luật đã đưa quy định về việc cung cấp thông tin nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, khắc phục được tâm lý e ngại của người dân và do đó sẽ hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.
Chuẩn bị thực hiện có hiệu quả Luật Năng lượng nguyên tử
Ðể Luật Năng lượng nguyên tử có thể được nhanh chóng áp dụng ngay khi có hiệu lực (từ ngày 1-1-2009), các bộ, ngành, nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ, cần tích cực phổ biến nội dung của luật tới nhân dân, trước hết là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Việc phổ biến nội dung của luật có thể được thực hiện thông qua các hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn và các phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, để thực hiện đầy đủ, chính xác các nội dung của Luật Năng lượng nguyên tử, cần phải ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trước hết, cần phải có Nghị định do Chính phủ ban hành như nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; nghị định về nhà máy điện hạt nhân; nghị định về phí và lệ phí; nghị định về thanh tra; nghị định về xử lý vi phạm hành chính. Tiếp đó, cần có các văn bản cấp bộ, thí dụ như thông tư về khai báo, cấp phép; thông tư về vận chuyển vật liệu phóng xạ; thông tư về quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; thông tư về an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân, v.v.
Rất nhiều các công việc cần phải làm sau khi Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực, thậm chí là ngay sau khi luật được công bố. Mặt khác, vì luật được xây dựng theo quan điểm kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành và có tính hệ thống cao, cho nên cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc triển khai thực hiện và hướng dẫn thực hiện.
Nguồn: Nhân dân điện tử
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |