Một số đánh giá về pháp luật an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại của Việt Nam

Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nói chung và ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng là một trong những vấn đề cấp bách, mang tầm chiến lược trong phát triển của mỗi quốc gia. Hệ thống các quy định pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại là cơ sở cho việc đảm bảo cho thực phẩm được an toàn trong các quan hệ thương mại, là công cụ để nhà nước quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thương mại. Việc tìm hiểu thực trạng và rút ra đánh giá về pháp luật an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại của Việt Nam để tạo cơ sở khoa học hoàn thiện pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

1. Thực trạng pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại của Việt Nam

1.1. Các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại

Những điều kiện nhằm đảm bảo ATTP trong hoạt động thương mại bao gồm các quy định pháp lý về điều kiện mà cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng. Những điều kiện này được quy định tại Mục 1, Chương IV Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12/09/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Thông tư 24/2014/TT-BNNPTNT ngày 19/08/2014, quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với chợ đầu mối, đầu giá nông sản,… Theo đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sau:

- Yêu cầu đối với hàng hóa là thực phẩm khi đưa vào lưu thông, phân phối.

- Yêu cầu đối với cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở kinh doanh thực phẩm, đó là các yêu cầu: Về diện tích, địa điểm và môi trường kinh doanh thực phẩm; các yêu cầu liên quan đến thiết kế, xây dựng đối với một cơ sở kinh doanh thực phẩm;…

- Yêu cầu về bảo quản thực phẩm trong kinh doanh: Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo thực phẩm được an toàn, như: nguyên liệu, bao bì, diện tích, thiết kế đối với kho, các giá kệ, nhiệt độ bảo quản, thiết bị chuyên dụng, nước dùng trong bảo quản,...

1.2. Các quy định về quảng cáo, dán nhãn hàng hóa thực phẩm

* Quy định về quảng cáo thực phẩm:

Việc quảng cáo thực phẩm được thực hiện theo các quy định ở Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành hai luật này như: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/03/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 40/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương quy định cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương,... Theo đó, hoạt động quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ các quy định như sau:

- Thực hiện đúng theo pháp luật về quảng cáo.

- Thực hiện xác nhận nội dung quảng cáo trước khi đăng ký quảng cáo.

- Nội dung quảng cáo phải bảo đảm chính xác trung thực đối với các nội dung quan trọng được pháp luật quy định.

- Về thẩm định nội dung quảng cáo: Thẩm quyền thẩm định và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuộc về Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo loại thực phẩm được phân công quản lý.

* Quy định về ghi nhãn thực phẩm:

Việc ghi nhãn thực phẩm được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 38/2002/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số sản phẩm hàng hóa được pháp luật quy định không phải ghi nhãn.

Trong đó, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nhãn phụ cũng được sử dụng với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường, đồng thời, phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Đối với các thực phẩm bao gói sẵn, ngoài tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa, nội dung bắt buộc ghi nhãn phải tuân thủ các quy định sau:

- Thông tin trên nhãn phải đúng bản chất sản phẩm, trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người sử dụng;

- Đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, trên nhãn phải thể hiện được các nội dung chính sau: công bố thành phần dinh dưỡng; hoạt chất tác dụng sinh học; tác dụng đối với sức khỏe; chỉ rõ đối tượng, liều dùng, cách dùng, cảnh báo nếu có;

- Đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất, chất vi lượng không nhằm phổ cập cộng đồng như thức ăn công thức dành cho bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 36 tháng tuổi và thức ăn qua ống thông cho người bệnh phải công bố mức đáp ứng so với nhu cầu dinh dưỡng, liều lượng sử dụng của từng đối tượng và hướng dẫn của bác sĩ;

- Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, một số thực phẩm biến đổi gen (thuộc đối tượng phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen) phải ghi rõ thành phần và hàm lượng có trong thực phẩm;

- Khi lấy thành phần nào đó trong sản phẩm làm tên sản phẩm thì phải ghi rõ hàm lượng thành phần đó bên cạnh tên sản phẩm;

- Tên sản phẩm phải là cỡ chữ lớn nhất, rõ nhất và tối thiểu gấp 3 lần cỡ chữ khác trên nhãn;

- Khi chuyển dịch nhãn phải bảo đảm không sai lệch nội dung so với nhãn gốc.

Theo quy định của pháp luật thì “Hạn sử dụng an toàn” bắt buộc phải ghi “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật.

Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm. Đối với thực phẩm ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này. Đối với thực phẩm ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày”.

Chỉ nhà sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.

Ngoài ra, đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, ngoài việc phải tuân thủ các quy định trên còn phải tuân thủ các quy định đối với việc ghi nhãn cho từng loại thực phẩm cụ thể tại một số thông tư sau: Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn; Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN ngày 23/11/2015 hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn; Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng;…

1.3. Các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại

Quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam. Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ quan nhà nước như sau:

- Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Y tế:

Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ATTP, Bộ Y tế có trách nhiệm sau:

+ Về trách nhiệm chung: (1) Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia, quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm; (2) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; (3) Yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý ATTP; (4) Quy định về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (5) Chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm; (6) Thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết.

+ Về trách nhiệm trong quản lý ngành: (1) Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; (2) Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ; (3) Quản lý ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; (4) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Quản lý ATTP đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối.

+ Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

+ Quản lý ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Trách nhiệm quản lý ATTP của Bộ Công Thương:

+ Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.

+ Quản lý ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Ban hành chính sách, quy hoạch về chợ, siêu thị, quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị.

+ Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm.

+ Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

+ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp

+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn để bảo đảm việc quản lý được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.

+ Chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

+ Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

+ Bố trí nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn.

+ Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về ATTP, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý ATTP, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng, ý thức của người tiêu dùng thực phẩm.

+ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý.

Việc phân công trách nhiệm cụ thể giữa ba Bộ được quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/04/2014 hướng dẫn việc phân công phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

1.4. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại

Thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các bộ đã tích cực xây dựng các tiêu chuẩn (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về ATTP. Trong giai đoạn 2011 - 2016, đã đề nghị ban hành 453 TCVN, ban hành 119 QCVN về thực phẩm và 6 quy định kỹ thuật về ATTP. Riêng trong công đoạn kinh doanh thực phẩm hiện nay có 16 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành, đó là:

- QCVN 12-1:2011/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp;

- QCVN 12-2:2011/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng cao su;

- QCVN 12-3:2011/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng kim loại;

- QCVN 12-4:2015/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

- QCVN 01-05: 2009/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Yêu cầu vệ sinh cơ sở đóng gói thịt gia súc, gia cầm tươi sống;

- QCVN 01-100:2012/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Yêu cầu chung về vệ sinh thú y trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế;

- QCVN 02 - 01: 2009/BNNPTNT. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản - Điều kiện chung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 02 - 02: 2009/BNNPTNT. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản - Chương trình đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo nguyên tắc HACCP;

- QCVN 02 - 09: 2009/BNNPTNT. Kho lạnh thủy sản - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 02 - 10: 2009/BNNPTNT. Cơ sở thu mua thủy sản - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 02 - 11: 2009/BNNPTNT. Chợ cá - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 02 - 12: 2009/BNNPTNT. Cảng cá - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 02 - 13: 2009/BNNPTNT. Tàu cá - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- QCVN 01-133:2013/BNNPTNT. QCVN về kho chứa thóc;

- QCVN 01-21: 2010/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương pháp kiểm tra củ, quả xuất nhập khẩu và quá cảnh;

- QCVN 01-22: 2010/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương pháp kiểm tra cây xuất nhập khẩu và quá cảnh.

2. Đánh giá chung về pháp luật ATTP trong hoạt động thương mại của Việt Nam

2.1. Một số kết quả đạt được

- Văn bản pháp luật về ATTP nói chung và về ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng thời gian qua đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời; từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP và đảm bảo ATTP trong đời sống xã hội.

Nội dung các văn bản pháp luật ban hành, về cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP; nội luật hóa các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; Các quy định pháp luật ATTP được ban hành đúng thẩm quyền, bám sát yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP, bảo đảm tính khả thi, khá thuận lợi cho sản xuất kinh doanh thực phẩm.

- Hệ thống văn bản pháp luật ATTP trong hoạt động thương mại ở Việt Nam tương đối toàn diện và phong phú, bao gồm các lĩnh vực như an toàn sức khỏe cộng đồng, quy định về kiểm dịch động thực vật, hệ thống quy định về kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm.

Thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp 2013, Luật Thú y, Luật Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước… cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đảm bảo ATTP nói chung và ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng. Tất cả các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý để đảm bảo ATTP trong hoạt động thương mại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

- Các quy định ATTP trong hoạt động thương mại đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Nội dung của pháp luật ATTP trong hoạt động thương mại ngày càng bao quát và đầy đủ hơn.

Những quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thực phẩm phân định rõ điều kiện bảo đảm an toàn trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh và gắn với từng nhóm sản phẩm cụ thể như sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, trong chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến thể hiện sự phân loại rõ ràng đối với từng loại sản phẩm thực phẩm. Về nội dung quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm, pháp luật đã quy định cụ thể hơn.

- Pháp luật An toàn thực phẩm nói chung ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng đã có một bước tiến vượt bậc trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trên thị trường.

Pháp luật ATTP đã tạo được cơ sở để hình thành và kiện toàn bộ máy cơ cấu, tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về ATTP từ Trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các bộ ngành, địa phương nên đã phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý ATTP nói chung và quản lý ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng.

- Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP đã được quan tâm ban hành đồng bộ hơn phục vụ yêu cầu quản lý ATTP nói chung và ATTP trong hoạt động thương mại nói riêng.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP đều được ban hành trên cơ sở phù hợp hoàn toàn với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex), một số quy định chưa có trong Codex hoặc đặc thù của quốc gia thì đều hài hòa với quy định các nước phát triển như Mỹ, Nhật bản, EU và các nước ASEAN.

Tóm lại, những quy định hiện có, pháp luật ATTP?trong hoạt động thương mại ở Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về ATTP trong hoạt động thương mại thời gian gần đây. Điều kiện ATTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện. Chất lượng của thực phẩm xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường nội địa được kiểm soát tốt hơn. Số lượng chợ đầu mối, chợ an toàn thực phẩm và siêu thị kinh doanh thực phẩm tăng dần theo từng năm. Các quy định về ATTP trong hoạt động thương mại hiện hành đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm.

2.2. Một số hạn chế

- Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về ATTP còn chậm, chưa được hệ thống hóa gây ảnh hưởng tới việc thực thi Luật; một số quy định chưa phù hợp với quản lý ATTP, tính khả thi chưa cao.

Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 nhưng đến ngày 25/4/2012 mới ban hành Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; hoặc đến năm 2014 mới ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT- BNNPTNT- BCT về phân công, phối hợp trong QLNN về ATTP. Các văn bản ban hành nhiều nhưng chưa được hệ thống hóa gây khó khăn cho việc áp dụng Luật.

- Một số quy định về phân công trách nhiệm QLNN về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý thiếu quy định hướng dẫn cụ thể.

Các quy định về phân công trách nhiệm quản lý ATTP?chưa phù hợp trong quản lý các sản phẩm “giao thoa” giữa các bộ hoặc giữa các bộ và địa phương, một số nội dung còn chồng chéo, thiếu rõ ràng; một số lĩnh vực quản lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể.

- Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Với số lượng hàng hóa thực phẩm lưu thông trên thị trường lên tới hàng chục nghìn chủng loại, trong đó có sản phẩm nông sản tươi sống, thực phẩm chức năng, hàng nghìn sản phẩm thực phẩm truyền thống, là đặc sản vùng/miền thì việc ban hành TCVN, QCVN, QCKT địa phương về thực phẩm là công cụ kỹ thuật để quản lý ATTP trong thời gian qua là chậm và còn thiếu. Một số quy chuẩn kỹ thuật còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng như quy chuẩn kỹ thuật về sữa chế biến dạng lỏng.

Như vậy, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì hệ thống pháp luật về ATTP trong hoạt động thương mại thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế; trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng, cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.

Nguồn: tapchicongthuong.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2901 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;