Đây là quy định đáng chú ý được ban hành tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 do Quốc hội ký ban hành ngày 22/11/2019.
Hình minh họa (nguồn internet)
Theo đó, tại Khoản 8 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định:
Thứ nhất, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở tỉnh bầu ra được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu;
- Tỉnh không thuộc trường hợp trên có từ triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc.
Thứ hai, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở huyện bầu ra được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân thì cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;
- Huyện không thuộc trường hợp trên có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu;
- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.
Thường trực Hội đồng nhân dân huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân huyện. Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Thứ ba, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
- Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;
- Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;
- Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3000 dân đến bốn nghìn dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4000 dân thì cứ thêm 1000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu;
- Xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.
Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Xem toàn văn quy định tại Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020.
Thu Ba
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |