Lên đồng, xem bói có đi tù không?

Lên đồng, xem bói là những chiêu trò mê tín dị đoan và đang trở thành một trong những tệ nạn xã hội hiện nay, thực tế nhiều người có thói quen nhờ đến bói toán và quá tin tưởng vào những lời lẽ mê tín dị đoan để xây dựng niềm tin và giải quyết một số vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Và đây cũng chính là cơ hội để những người hành nghề bói toán lợi dụng vụ lợi cho mình mà không màng đến hậu quả xảy ra.

 

Thực ra bói toán xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu và gắn liền với đời sống tâm linh của người dân. Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, người dân nhờ đến những ông thầy, bà đồng xem quẻ, bói toán hoặc để cầu phúc, cầu may hoặc để chữa bệnh, xem tướng, đoán tương lai,…về mặt tích cực bói toán có thể là một cách giải trí, xem cho vui, là động lực để con người có niềm tin khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng ở mặt khác bói toán là những lời lẽ không có lý luận, không khoa học sẽ dẫn đến tiêu cực, đặc biệt những ông thầy, bà đồng này lại lợi dụng lòng tin của người dân để hành nghề trục lợi.

Nhìn dưới góc độ pháp luật, xem bói, lên đồng là những hành vi mê tín dị đoan và theo pháp luật hình sự những người có hành vi đó có thể cấu thành Tội hành nghề mê tín, dị đoan quy định tại Điều 247 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, người tuyên truyền mê tín dị đoan, bói toán có thể bị xử phạt hành chính, cải tạo không giam giữ thậm chí phạt tù tùy theo từng mức độ vi phạm.

Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định rõ: Các hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi là vi phạm nếp sống văn hóa, có thể bị phạt tiền đến 5.000.000 đồng, đồng thời còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này.

Thực ra những hành vi mê tín dị đoan này đã nhiều lần bị xử lý nhưng vẫn không dứt điểm được và tình trạng này vẫn tiếp diễn ở một số địa phương. Thứ nhất, lên đồng hay xem bói là một tục lệ, là tín ngưỡng văn hóa dân gian, khi xét xử những hành vi này phải xem xét là hoạt động này có hợp pháp hay không, có trục lợi hay không và căn cứ vào hậu quả và thiệt hại gây ra nghiêm trọng tới mức nào mới có thể mạnh tay xử lý. Thứ hai, những khu vực bói toán, lên đồng là những nơi linh thiêng, người dân mình có tâm lý có thờ có thiêng, có kiêng có lành do đó cơ quan chức năng nhiều khi cũng có tâm lý lo sợ, không dám đụng vào những nơi có thần thánh như vậy nên khó mà giải quyết. Thứ ba, nạn nhân của những vụ mê tín dị đoan này biết là sai trái nhưng không dám đi trình báo vì sợ bị chê cười mà chỉ ngồi nhà tiếc của, trách móc.

Thực tế khi xét xử những hành vi lên đồng, bói toán, pháp luật cũng chỉ đánh vào phạt những người tổ chức, còn những người đi xem thì không bị xử phạt hoặc nếu có thể chỉ bị xử phạt vì tội gây rối trật tự nơi công cộng.

Ở một số địa phương, lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, là một hoạt động văn hóa tốt đẹp, như ở Hà Nội có hẳn một lễ hội festival hầu đồng và vẫn diễn ra hợp pháp, nó chỉ được xem là bất hợp pháp nếu như có những kẻ lợi dụng biến hầu đồng thành mê tín dị đoan, bảo thánh phán truyền để trục lợi.

Do đó, pháp luật mặc dù có những quy định xử phạt nhưng cần phải cụ thể hơn nữa để rạch ròi giữa nét văn hóa và hành vi vi phạm trong hoạt động xem bói, lên đồng; đồng thời cần mạnh tay xử lý những hành vi vi phạm từ người tổ chức và những người tham gia đi xem.

           

Hình ảnh minh họa

 

BLHS 1999: "Điều 247. Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích  mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng."

NĐ158/2013/NĐ-CP:  "Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa
...
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

..."

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3764 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;