Từ 10/02/2019, Thông tư 48/2018/TT-BLĐTBXH của BLĐTBXH ban hành quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông sẽ có hiệu lực.
Kỹ năng tối thiểu của ngành điện tử dân dụng trình độ TC - Ảnh minh họa
Theo đó, tại Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ngành, nghề điện tử dân dụng ban hành kèm theo Thông tư 48/2018/TT-BLĐTBXH quy định yêu cầu kỹ năng tối thiểu người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành điện tử dân dụng trình độ trung cấp như sau:
- Đọc được bản vẽ kỹ vẽ sơ đồ mạch, sửa chữa, lắp ráp chuyên môn của nghề;
- Sử dụng thành thạo các dụng cụ đồ nghề chuyên dùng thông dụng;
- Lắp ráp được các mạch điện tử cơ bản;
- Xử lý được một số sự cố kỹ thuật đơn giản xảy ra trong quá trình vận hành của các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông;
- Sử dụng được smartphone để điều khiển các thiết bị tự động gia dụng;
- Vận hành được hệ thống smart city, smart home các chuẩn mạng truyền thông trong hệ thống;
- Lắp đặt, kết nối được các thiết bị trong thông tin di động, thông tin quang, mạng truyền hình, internet;
- Bảo dưỡng, sửa chữa được một số thiết bị điện tử dân dụng, hệ thống nghe nhìn, camera, hệ thống giám sát cảnh báo;
- Tham gia làm được các loại mẫu biểu, báo cáo, văn bản đối nội, hợp đồng thông dụng của kinh doanh, dịch vụ;
- Áp dụng được các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định;
- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 1/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
Bên cạnh đó, quy định về mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học phải đạt như sau:
- Chịu trách nhiệm với kết quả công việc của bản thân trước lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
- Có khả năng giải quyết một số công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi;
- Có đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật;
- Năng động, có ý thức sáng tạo trong quá trình làm việc, có tinh thần làm việc tập thể;
- Chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của bản thân và một phần công việc của các thành viên trong nhóm trước lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chi tiết nội dung xem tại Thông tư 48/2018/TT-BLĐTBXH, ban hành ngày 28/12/2018.
Lê Vy
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |