Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Ảnh minh họa
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở doanh nghiệp trên các địa bàn được điều chỉnh tăng như sau:
Với việc tăng lương tối thiểu vùng này, kế toán cần phải thực hiện các công việc quan trọng sau:
1. Nộp thang lương bảng lương mới cho phòng Lao động Thương binh và Xã hội
Từ ngày 01/01/2020 mức lương tối thiểu vùng mới sẽ chính thức được áp dụngđối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp tại các địa bàn trên cả nước.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP thì thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế về đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động và bảo đảm các quy định của pháp luật lao động. Theo đó,những doanh nghiệp nào đang sử dụng bảng lương với mức lương tối thiểu vùng thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 90 thì phải lập lại thang lương, bảng lương.
Căn cứ Khoản 6 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời nộp thang lương, bảng lương mới tại Phòng Lao động và Thương binh - Xã hội.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện; đối với công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của Tổng công ty hạng đặc biệt đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát.
>>>>> Tải về trọn bộ hồ sơ thông báo thay đổi thang bảng lương TẠI ĐÂY.
2. Thông báo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội
Mức lương tối thiểu vùng sẽ được dùng làm một trong những căn cứ tính đóng BHXH cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng tăng đồng nghĩa với mức đóng BHXH tối thiểu của người lao động cũng sẽ tăng theo. Do đó, nếu doanh nghiệp nào có mức tiền lương tính đóng BHXH thấp hơn mức tiền lương tính đóng BHXH thì phải thông báo tăng mức đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ thông báo tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội bao gồm những giấy tờ sau:
Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
Đối với người sử dụng lao động:
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS);
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS);
- Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
>>>>> Tải về trọn bộ hồ sơ thông báo tăng mức đóng BHXH TẠI ĐÂY.
Luật gia Bùi Tường Vũ, Chủ tịch HĐTV THƯ KÝ LUẬT cho biết: Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về việc trả lương. Trong đó, mức lương này sẽ trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận. So với mức lương tối thiểu vùng hiện nay tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP thì từ 01/01/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 5,5% (tăng từ 150.000-240.000 đồng), tùy theo từng vùng. Hi vọng với việc tăng lương tối thiểu vùng này, mức thu nhập cơ bản của người lao động cũng được tăng lên để họ có thể đảm bảo cuộc sống hàng ngày và an tâm làm việc, cống hiến hết mình.
Nguyễn Trinh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |