Tôi muốn biết Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024 đã đưa các yêu cầu như thế nào? – Thảo Nguyên (Đà Nẵng)
Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 18/01/2024, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐTƯATTP triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024 với những yêu cầu như sau:
(1) Công tác hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Các hoạt động hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
(2) Hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, đánh giá nội dung ghi nhãn và kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn đối với cơ sở tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng. Hoạt động hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm được thực hiện thường xuyên tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về tự công bố sản phẩm.
(3) Tăng cường công tác hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm đặc biệt quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài; trên Internet và môi trường mạng; lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân v.v
(4) Tránh chồng chéo trong hoạt động hậu kiểm: Việc triển khai hậu kiểm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm tại phụ lục II, III, IV Nghị định 15/2018/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hậu kiểm theo trách nhiệm quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, tập trung sản phẩm/nhóm sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phân cấp cho địa phương cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận bản công bố sản phẩm. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc phân công tại Điều 36 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Đối với cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý chuyên ngành nào thực hiện thủ tục hành chính/tiếp nhận bản tự công bố thì cơ quan đó chịu trách nhiệm hậu kiểm.
(5) Hoạt động hậu kiểm phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiến hành hậu kiểm không gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.
Xem thêm tại Kế hoạch 92/KH-BCĐTƯATTP ngày 18/01/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |