Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quốc Tuấn

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Kế    hoạch    thực    hiện    Quy    hoạch    vùng    Trung    du    và    miền    núi    phía    Bắc    thời    kỳ    2021-2030,    tầm    nhìn    đến    năm    2050

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 11/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1161/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

(1) Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào; trước hết tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển các hành lang kinh tế gắn với thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng, Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng, Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Xây dựng, nâng cấp hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch, hạ tầng thông tin, truyền thông và hạ tầng kinh tế số.

- Giai đoạn 2021 - 2025:

+ Về đường bộ, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, gồm: Hữu Nghị - Chi Lăng, Tuyên Quang - Phú Thọ, Chợ Mới - Bắc Kạn, Tuyên Quang - Hà Giang và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tập trung đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai 1 (quốc lộ 4), vành đai 2 (quốc lộ 279) và vành đai 3 (quốc lộ 37) và một số tuyến như quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 3B, quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15, quốc lộ 31, quốc lộ 32C...

+ Về hàng không, đầu tư cảng hàng không Sa Pa theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư nâng cấp cảng hàng không Điện Biên.

+ Về đường sắt, cải tạo, nâng cấp các ga hàng hóa để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; đầu tư kết nối tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

+ Về đường thủy, đầu tư nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng để kết nối thuận lợi về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các cảng cạn tại Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng.

- Giai đoạn 2026 - 2030

+ Về đường bộ, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc, gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Hoà Bình - Mộc Châu - Sơn La, Đoan Hùng - Chợ Bến; vành đai 5 qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình...).

+ Về hàng không, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc các hình thức đầu tư khác đối với các cảng hàng không trong vùng như: Nà Sản, Lai Châu với phương châm đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Về đường sắt, đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng.

+ Về đường thủy nội địa, đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng.

(2) Tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế. Phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi sản phẩm của vùng tập trung chủ yếu tại Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa Bình; các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai. Phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.

Tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu khả năng hình thành khu kinh tế cửa khẩu tại cửa khẩu U Ma Tu Khoòng, tỉnh Lai Châu.

(3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là giáo dục nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng với nhu cầu của từng tiểu vùng, từng khu vực; chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ tại chỗ. Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 gắn với đẩy mạnh thông tin thị trường lao động. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

- Phát triển Thái Nguyên là khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của vùng; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang); Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất, lượng cao, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu tiềm năng phát triển các trường đại học cấp tiểu vùng tại Điện Biên và Lai Châu.

- Đầu tư một số trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, ưu tiên tại khu vực động lực phát triển của vùng.

- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín tham gia đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao.

(4) Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế. Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong phát triển vùng, đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực giữ vai trò quan trọng về bảo vệ rừng, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng. Bảo vệ nghiêm ngặt nước đầu nguồn, thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa các ngành trong vùng, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc từ nay đến năm 2030. Đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước, chuyển nước quy mô liên vùng, liên tỉnh, trong đó ưu tiên:

- Nâng cấp hệ thống thủy lợi Pá Khoang - Nậm Rốm (Điện Biên); hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn (Bắc Giang); hệ thống thủy lợi Thác Huống (Thái Nguyên); hệ thống thủy lợi Núi Cốc (Thái Nguyên).

- Xây mới hồ Nà Lạnh (Bắc Giang) tiếp nguồn cho các hồ chứa hiện có và bổ sung nguồn nước cho vùng Lục Ngạn - Bắc Giang; hồ Nghinh Tường (Thái Nguyên) cấp nước và tiếp nguồn cho hệ thống sông Cầu; hồ Thượng Tiến (Hòa Bình); hồ Phiêng Lúc (Lai Châu); hệ thống trữ và cấp nước cho cao nguyên Mộc Châu; hệ thống dẫn nước, chuyển nước thừa từ hồ Cấm Sơn sang hồ Khuôn Thần.

- Bảo vệ, duy trì và cải tạo các trục tiêu bị bồi lấp, ách tắc để cải thiện khả năng tiêu tự chảy; bổ sung các công trình tiêu bằng động lực để tăng khả năng tiêu thoát cho các đô thị trong vùng; cải tạo các trạm bơm tiêu ra sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (Thái Nguyên, Bắc Giang). Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông (Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái).

- Đầu tư đổi mới hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai và biến đổi khí hậu vùng. Xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể:

+ Ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng, nhất là bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu, rừng đầu nguồn tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Tuyên Quang.

+ Đối với rừng đặc dụng: Tăng cường duy trì ổn định các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan có giá trị đa dạng sinh học cao; bảo tồn các hệ sinh thái rừng nhiệt đới núi cao và nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm; nâng cao chất lượng rừng đặc dụng tại các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Lai Châu để hình thành các hành lang kết nối với các khu rừng phòng hộ.

+ Đối với rừng phòng hộ: Tập trung xây dựng và củng cố hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn các hệ thống sông, nhất là các khu rừng phòng hộ đầu nguồn theo các bậc thang thủy điện trên sông Đà và sông Mã. Khoanh vùng và bảo vệ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Gâm, sông Mã, các công trình thủy điện - thủy lợi lớn như Hòa Bình, Lai Châu, Thác Bà, Na Hang và Sơn La. Duy trì, bảo vệ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan tại Mường Tè - Mường Nhé, Điện Biên - Sơn La, Hoàng Liên Sơn, vùng núi chiến khu Việt Bắc phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.

+ Đối với rừng sản xuất: Phát triển trồng rừng nguyên liệu, các mô hình nông, lâm kết hợp, trồng và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ; phát triển lâm nghiệp cộng đồng và lâm nghiệp đô thị; tăng cường các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, các dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

(5) Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn vùng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở vững mạnh, toàn diện, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

(6) Đánh giá thực hiện các mục tiêu quy hoạch

Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch vùng đề ra (chi tiết tại Phụ lục I).

Xem chi tiết nội dung tại Quyết định 1161/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 11/10/2024.

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;