Ngày 24/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1029/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ internet)
Theo đó, giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển
- Triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu, ban hành các đề án, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển đi kèm với các chính sách ưu đãi đầu tư để tạo cơ hội, động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
- Ban hành kịp thời, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, gắn với tiến bộ, công bằng xã hội.
(2) Về thu hút đầu tư phát triển
- Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh và Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực, các dự án quan trọng, cấp bách, có tính đột phá và sức lan tỏa; ưu tiên các công trình trọng điểm, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả.
- Tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; các ngành mũi nhọn như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch như: cấp điện, nước, đường giao thông. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân.
- Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.
(3) Về phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu từng thời kỳ phát triển của tỉnh, phù hợp xu thế phát triển chung của vùng, cả nước; phát triển Đại học Thái Nguyên thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm vùng; đưa Thái Nguyên trở thành khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động và xu thế nghề nghiệp. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có chất lượng, bảo đảm năng lực ở mọi lĩnh vực.
- Tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục, bảo đảm tỷ lệ chi cho giáo dục trong tổng ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quản lý sử dụng có hiệu quả. Đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho những vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích liên kết hợp tác với các tổ chức giáo dục nước ngoài có uy tín. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về kỹ năng, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
- Phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là các ngành công nghiệp điện, điện tử, chip bán dẫn; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng, thiết bị và hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
- Củng cố chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung cho các nghề trọng điểm; tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp sử dụng lao động, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp nguồn lực giữa doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi nhằm tận dụng nguồn nhân lực sẵn có trên địa bàn.
(4) Về phát triển khoa học và công nghệ
- Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực, có thế mạnh của tỉnh. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của tỉnh.
- Đưa khoa học - công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và các quy chuẩn khác nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
- Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của vùng. Huy động và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án có liên quan, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số.
- Tăng cường quản lý an ninh mạng, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu; phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử; tham gia chia sẻ dữ liệu quản lý công dân trong một số lĩnh vực công trực tuyến như: Định danh điện tử, lưu trữ và truy xuất thông tin người dân.
(5) Về bảo đảm an sinh xã hội
- Chú trọng và tập trung phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ đầy đủ, công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối khu vực khó khăn với các trung tâm đô thị, hành lang kinh tế. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
- Thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhằm giúp cho nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương và nhóm người nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo và bảo đảm thực hiện giảm nghèo bền vững.
- Triển khai hiệu quả các chính sách đối với người có công, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội, thực hiện tốt các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế.
(6) Về bảo vệ môi trường
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường. Tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng tổ chức kinh tế, xã hội và công dân, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư.
- Xây dựng quy chế quản lý chất thải, ô nhiễm; nghiên cứu áp dụng các công nghệ xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế; tổ chức tốt hoạt động quản lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.
- Khai thác hợp lý và quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng.
- Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen xanh; dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
- Tận dụng các điểm mạnh về rừng và không gian sinh thái đặc thù của địa phương để thực hiện phân tích, nhận dạng và phát triển các dự án có tiềm năng phát hành tín chỉ các-bon theo các tiêu chuẩn.
- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; thành lập và vận hành hành lang đa dạng sinh học Kim Hỷ - Thần Sa - Phượng Hoàng (Thái Nguyên). Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý nghiêm vi phạm về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
(7) Bảo đảm nguồn lực tài chính
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư các dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội. Cơ cấu lại chi ngân sách, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên.
- Thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách, phát triển nguồn thu ổn định, bền vững. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.
(8) Về bảo đảm quốc phòng, an ninh
- Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường thế trận khu vực phòng thủ; quản lý, sử dụng đất quốc phòng; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn tỉnh; phát huy hiệu quả thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh Nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả các quy hoạch trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định.
- Xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, vững mạnh, toàn diện, có sức mạnh tổng hợp và trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an ở tất cả các cấp, trước mắt là tập trung quy hoạch, xây dựng trụ sở, nơi làm việc bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng công an xã, thị trấn.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |