Kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Lào

Xin cho tôi hỏi kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam - Lào như thế nào? - Bảo Hân (Nghệ An)

Kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Lào (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 06/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 285/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Lào

Theo đó, Kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Lào như sau:

1. Mục tiêu và yêu cầu:

* Mục đích

- Chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

- Giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết tốt các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự giữa hai nước;

- Góp phần thúc đẩy quan hệ dân sự, thương mại giữa hai nước.

* Yêu cầu

- Các bộ, ngành có liên quan tích cực, chủ động thực hiện Hiệp định phù hợp chức năng, thẩm quyền của mình; đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

- Đảm bảo quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của Lào trong việc thực hiện Hiệp định thông qua Cơ quan trung ương của hai nước.

2. Các nhiệm vụ và lộ trình thực hiện

(1) Chỉ định và thông báo cán bộ đầu mối thực hiện Hiệp định

- Hai Bên thông báo cho nhau thông tin về cán bộ đầu mối theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Hiệp định.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao.

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2024

(2) Tuyên truyền, phổ biến Hiệp định

- Tổ chức tuyên truyền về nội dung Hiệp định, tập huấn, bồi dưỡng để thống nhất và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp tại các Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự về Hiệp định.

+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao.

+ Thời gian thực hiện: hàng năm.

- Thông báo quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 6 Điều 6 Hiệp định cho các Toà án, Cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào.

+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao.

+ Thời gian thực hiện: năm 2024.

(3) Triển khai thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp

- Xây dựng các biểu mẫu, hồ sơ ủy thác tư pháp.

- Nâng cấp hệ cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp phục vụ công tác báo cáo, thống kê tình hình thực hiện.

- Tiếp nhận, xử lý và thực hiện các yêu cầu ủy thác của cơ quan có thẩm quyền Lào gửi đến Việt Nam.

- Tiếp nhận, xử lý và thực hiện các hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi cho Lào.

- Tiếp nhận, phối hợp xử lý và thực hiện các yêu cầu trợ giúp pháp lý của công dân hai nước.

- Thông tin các cơ quan liên quan về phạm vi các loại giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp, xác nhận được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều 12 Hiệp định.

Cơ quan thực hiện:

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ từ điểm a đến điểm đ khoản này.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ tại điểm e khoản này.

Thời gian thực hiện: Hàng năm

(4) Trao đổi thông tin

- Trao đổi thông tin, tài liệu về tương trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.

- Trao đổi các quy định pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hộ tịch.

- Tổ chức các Đoàn công tác tham khảo, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về việc nghiên cứu gia nhập các thiết chế quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp; thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý.

+ Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao.

+ Thời gian thực hiện: Hàng năm.

(5) Đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định

- Trao đổi thường xuyên về tình hình thực hiện Hiệp định với Bộ Tư pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, định kỳ tiến hành rà soát các văn bản pháp luật trong nước, dựa trên tình hình thực hiện Hiệp định để nhanh chóng có biện pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao.

- Thời gian thực hiện: 03 năm/lần theo quy định của Hiệp định.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

192 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;