Xin cho tôi hỏi Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Công Thương được quy định thế nào? - Minh Phúc (Hà Tĩnh)
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài của Bộ Công Thương (Hình từ internet)
Ngày 09/01/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 51/QĐ-BCT về Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(1) Mục đích của Kế hoạch
- Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xác định trong Chiến lược liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương để đạt được mục tiêu và theo đúng quan điểm, định hướng đã đề ra tại Chiến lược.
- Kế hoạch là căn cứ cho các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Công Thương xây dựng hoặc điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình theo quy định tại Chiến lược.
- Kế hoạch là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược; đồng thời là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
(2) Yêu cầu cơ bản của Kế hoạch
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung công việc, các nhiệm vụ xác định trong Kế hoạch này dựa trên những yêu cầu cơ bản sau đây:
- Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm cũng như các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra để thực hiện có hiệu quả:
+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai; hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược và xây dựng các báo cáo định kỳ hàng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Chiến lược.
+ Vai trò chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên quan thuộc ngành Công Thương; triển khai đầy đủ, đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược tới các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; giám sát quá trình thực hiện; đánh giá mức độ và khả năng đạt được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và cuối thời kỳ của Chiến lược, đề xuất điều chỉnh mục tiêu phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.
- Cụ thể hóa các yêu cầu tổ chức thực hiện Chiến lược; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp và đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược.
- Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện, các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy định của pháp luật về tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp, sử dụng quản lý cán bộ công chức, viên chức của đất nước và của ngành Công Thương trong từng thời kỳ.
(3) Kinh phí thực hiện
- Hàng năm các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí gửi về Bộ Công Thương (đơn vị nhận Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp và đăng ký đề xuất với Bộ Tài chính kinh phí thực hiện Chiến lược theo quy định hiện hành.
- Nguồn kinh phí: Kinh phí chi thường xuyên cấp chi sự nghiệp kinh tế từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp, các nguồn hỗ trợ, tài trợ và huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Xem chi tiết tại Quyết định 51/QĐ-BCT có hiệu lực từ ngày 09/01/2024.
Hồ Quốc Tuấn
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |