Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024 có những nhiệm vụ trọng tâm nào? – Quang Duy (Khánh Hòa)

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 22/01/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định 192/QĐ-BTNMT về Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024.

Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024

Cụ thể, Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2024 sẽ bao gồm 10 nhiệm vụ trọng tâm như sau:

(1) Nhận thức số

- Ngày Chuyển đổi số: Thực hiện Kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và phù hợp với điều kiện thực tế, thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức số.

- Chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số

+ Tiếp tục đề xuất các bài toán lớn, cụ thể cần được giải quyết để chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường.

+ Xây dựng kênh thông tin để công bố các bài toán lớn về chuyển đổi số của ngành tài nguyên và môi trường để tiếp nhận sáng kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong, ngoài nước để giải quyết các bài toán.

- Kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo: Tiếp tục tham gia vào kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia để được cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ công tác, hoạt động chuyển đổi số của Bộ, ngành tài nguyên và môi trường.

(2) Thể chế số

Xây dựng và triển khai kế hoạch ban hành văn bản, cơ chế, chính sách để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiến trình chuyển đổi số của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Ban hành Danh mục dữ liệu mở của ngành tài nguyên và môi trường; triển khai xây dựng và cung cấp dữ liệu mở cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân tra cứu, khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Ban hành Danh mục dữ liệu lớn và xây dựng Kế hoạch phát triển dữ liệu lớn của ngành tài nguyên và môi trường; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng loại dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu lớn của ngành tài nguyên và môi trường.

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định về thu thập, lưu trữ, sử dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu số.

(3) Hạ tầng số

- Nâng cấp, phát triển Trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số tại Bộ, đáp ứng yêu cầu triển khai các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Xây dựng, vận hành hệ thống điều hành thông minh (IOC) kết nối với Hệ thống chỉ đạo, điều hành quốc gia.

(4) Dữ liệu số

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường.

- Thu thập, xây dựng dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ.

- Tiếp tục tập hợp, số hóa nội dung, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu văn bản hành chính, cơ sở dữ liệu nội bộ, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý văn bản đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính.

- Xây dựng, triển khai hệ thống lưu trữ điện tử chuyên ngành tài nguyên và môi trường.

(5) Nền tảng số

- Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ (LGSP), kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

- Xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng dùng chung cho các ứng dụng, dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số của Bộ, ngành tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng hệ thống xác thực điện tử dùng chung kết nối với nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia.

- Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(6) Nhân lực số

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

- Tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên gia phục vụ chuyển đổi số tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Tổ chức tập huấn, phổ biến, diễn tập về đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, bảo vệ hạ tầng dữ liệu

(7) An toàn thông tin mạng

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng trong ngành tài nguyên và môi trường theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Tiếp tục phê duyệt/trình phê duyệt hồ sơ cấp độ và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cho các hệ thống thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Về công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát an toàn, an ninh thông tin

+ Giám sát an toàn thông tin cho toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin và các Trung tâm dữ liệu của Bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục; phát hiện và xử lý kịp thời các lỗ hổng, nguy cơ mất an toàn và các cuộc tấn công mạng, không để xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.

+ Thường xuyên kết nối, chia sẻ dữ liệu về mã độc, giám sát với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC).

+ Thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh và bảo mật thông tin đối với các hệ thống thông tin của Bộ, đối với các hệ thống thông tin quan trọng, để bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp, đã được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin do đơn vị độc lập thuộc Bộ Thông tin và Truyển thông thực hiện.

- Về công tác phòng, chống phần mềm độc hại:

+ Thường xuyên rà soát, cập nhật bảo đảm toàn bộ máy chủ và máy trạm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được cài đặt các phần mềm phòng chống phần mềm độc hại, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các phần mềm độc hại, tránh phát tán, lây lan và tấn công từ bên trong.

+ Thường xuyên tổ chức khắc phục điểm yếu, gỡ bỏ mã độc cho các máy máy chủ tại các Trung tâm Dữ liệu và máy tính cá nhân tại các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Bộ khắc phục các điểm yếu, gỡ bỏ các mã độc cho các máy tính của các đơn vị.

- Về công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng:

+ Đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động ứng cứu sự cố của Đội ứng cứu sự cố và bảo đảm an toàn thông tin tại Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quy chế.

+ Tổ chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập ứng cứu sự cố để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin tại Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường.

(8) Chính phủ số

- Nâng cấp, hợp nhất, hoàn thiện, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kết nối với Hệ thống giám sát quốc gia về Chính phủ số; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, tiếp thu ý kiến người dân và doanh nghiệp khi xây dựng, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và Thủ tướng Chính phủ giao lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin một cửa quốc gia, kết nối với các CSDLQG, chuyên ngành.

- Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường khác tạo nền tảng, kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường phục vụ chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng, nâng cấp, vận hành các ứng dụng, dịch vụ phục vụ nội bộ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài Bộ theo nhu cầu, các hệ thống ra quyết định phải dựa trên dữ liệu.

- Hoàn thành triển khai các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

(9) Kinh tế số

Xây dựng các nền tảng dữ liệu để cung cấp thông tin, dữ liệu, hệ sinh thái nội dung số về tài nguyên và môi trường nhằm tạo ra động lực phát triển dữ liệu, tăng giá trị dữ liệu, là cơ sở để đổi mới sáng tạo, phát triển các dịch vụ nội dung số, phát triển nền kinh tế số; dịch vụ sáng tạo thông minh; thương mại điện tử…

(10) Xã hội số: Tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách pháp luật trên các nền tảng số, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại và đa dạng hóa các kênh truyền thông số giúp cộng đồng dễ tiếp cận, sử dụng, nâng cao nhận thức về tài nguyên và môi trường.

Xem thêm tại Quyết định 192/QĐ-BTNMT có hiệu lực từ ngày 22/01/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

328 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;