Đây là nội dung chính được quy định tại Thông tư 38/2011/TT-BKHCN quy định yêu cầu về bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 30/12/2011.
Hướng dẫn xử lý sự cố mất an ninh vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Điều 10 Thông tư 38/2011/TT-BKHCN, hướng dẫn xử lý sự cố mất an ninh vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân như sau:
Tổ chức, cá nhân có vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân khi phát hiện dấu hiệu mất an ninh đối với vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân có trách nhiệm:
Thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý.
Trong vòng 08 giờ phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.
Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm và thu hồi vật liệu hạt nhân bị mất.
Ngay sau khi xảy ra hành vi phá hoại vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân phải tiến hành các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cơ sở hạt nhân, bảo vệ người.
Đồng thời, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có cơ sở hạt nhân được quy định như sau:
Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Điều 6 Thông tư 38/2011/TT-BKHCN.
Bảo đảm an ninh cho các vật liệu hạt nhân được sử dụng, lưu giữ trong cơ sở hạt nhân theo các yêu cầu tương ứng quy định tại các Điều 6, 7 và 8 của Thông tư 38/2011/TT-BKHCN. Riêng đối với vật liệu hạt nhân nhóm I thay cho yêu cầu phải được sử dụng hoặc lưu giữ trong khu vực kiểm soát đặc biệt sẽ phải được sử dụng hoặc lưu giữ trong khu vực trọng yếu.
Thiết lập khu vực trọng yếu bảo đảm các yêu cầu:
Có các biện pháp kiểm soát, bảo đảm an ninh như đối với khu vực kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 38/2011/TT-BKHCN;
Trong thời gian không hoạt động hoặc được bảo dưỡng, việc ra vào khu vực trọng yếu phải được kiểm soát chặt chẽ; đối với khu vực có lò phản ứng hạt nhân thì trước khi lò phản ứng hoạt động trở lại cần phải kiểm tra để khẳng định không có hành vi xâm hại nào được thực hiện trong quá trình không hoạt động hoặc bảo dưỡng.
Bảo đảm vật liệu hạt nhân, các hệ thống, thiết bị, máy móc phải được sử dụng, lưu giữ trong khu vực trọng yếu nếu việc phá hoại chúng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới hậu quả phóng xạ cao.
Xem chi tiết tại Thông tư 38/2011/TT-BKHCN, có hiệu lực từ ngày 15/02/2012.
Thùy Trâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |