Tôi muốn biết việc xếp lương đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước từ 10/4/2024 được quy định thế nào? – Tiến Hưng (Đà Nẵng)
Hướng dẫn xếp lương đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước từ 10/4/2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 23/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, việc xếp lương đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước từ 10/4/2024 sẽ được thực hiện như sau:
- Căn cứ vào cơ cấu tổ chức quản lý, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xây dựng, ban hành bảng lương và xếp lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách làm cơ sở để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
- Các mức lương trong bảng lương do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong bảng lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách theo quy định tại Nghị định 52/2016/NĐ-CP.
- Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung bảng lương của người quản lý, Kiểm soát viên, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Hiện hành tại Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định về việc xếp lương nay như sau: “Người quản lý công ty chuyên trách tiếp tục xếp lương theo hạng công ty quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này làm căn cứ để thực hiện các chế độ theo quy định của pháp luật cho đến khi Chính phủ có quy định mới.” |
Việc xác xác định, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước được dựa trên các nguyên tắc như sau:
- Tiền lương đối với người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, có khống chế mức hưởng tối đa và bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động trong công ty.
- Thù lao đối với người quản lý, Kiểm soát viên không chuyên trách tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của người quản lý, Kiểm soát viên chuyên trách; đối với người quản lý, Kiểm soát viên được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, doanh nghiệp khác thì Khoản thù lao do công ty, doanh nghiệp khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.
- Quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý, Kiểm soát viên được xác định theo năm, tách riêng với quỹ tiền lương của người lao động, do công ty xây dựng và trình chủ sở hữu phê duyệt. Hàng tháng, người quản lý, Kiểm soát viên được tạm ứng bằng 80% của số tiền lương, thù lao tạm tính cho tháng đó; số 20% còn lại được quyết toán và chi trả vào cuối năm.
- Tiền lương, thù lao của người quản lý, Kiểm soát viên được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được thể hiện thành một mục trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
- Tiền thưởng của người quản lý, Kiểm soát viên được xác định theo năm tương ứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát, được trả một phần vào cuối năm, phần còn lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
- Đối với trường hợp Chủ tịch công ty kiêm Tổng Giám đốc, Giám đốc thì chỉ được nhận tiền lương của một chức danh cao nhất.
- Tiền lương, tiền thưởng, thù lao của Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên xác định theo quy định tại Nghị định 52/2016/NĐ-CP, sau khi trừ khoản phải nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản khác theo quy định của pháp luật để trích nộp cho cơ quan bảo hiểm, công ty nộp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để hình thành quỹ chung và chi trả cho Kiểm soát viên theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
(Điều 4 Nghị định 52/2016/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 21/2024/NĐ-CP)
Xem thêm tại Nghị định 21/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |