Việc xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn như thế nào? - Văn Chính (Vĩnh Long)
Hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 (Hình từ internet)
Công văn 4155/BKHĐT-ĐTNN năm 2023 hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 01/6/2023.
Trong đó, định hướng xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 như sau:
Những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục chịu nhiều khó khăn, bất ổn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị tại Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 sẽ suy giảm dẫn đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển sẽ giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Đây sẽ là những nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam.
Nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên, tạo sự ổn định tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, công tác xây dựng chương trình XTĐT năm 2024 cần bám sát các định hướng sau:
(i) Tập trung thực hiện các định hướng, mục tiêu chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Quy hoạch tổng thể Quốc gia; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(ii) Bám sát quan điểm chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài tại Nghị quyết 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị; Chiến lược hợp tác ĐTNN giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định 667/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
(iii) Các hoạt động XTĐT cần tập trung để thực hiện mục tiêu 03 đột phá chiến lược: đổi mới thể chế, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông. Triển khai hiệu quả công tác XTĐT tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, coi đây là giải pháp then chốt nâng cao hiệu quả XTĐT.
(iv) Thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn; đặc biệt một số ngành, lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, hydrogen, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng mối liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để tạo sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao.
(v) Rà soát thông tin về tình hình đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.
(vi) Chủ động đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư hiện hữu, duy trì sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, thu hút và khuyến khích các dự án lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Xem chi tiết tại Công văn 4155/BKHĐT-ĐTNN năm 2023.
Dương Châu Thanh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |