Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học năm 2023

Xin hỏi tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp tiểu học năm 2023 được thực hiện như thế nào? - Yến Vân (Đà Nẵng)

Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học năm 2023 (Hình từ internet) 

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học năm 2023

Ngày 31/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3818/BGDĐT-GDTH hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp Tiểu học năm 2023 như sau:

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

Hiện nay, Ngoại ngữ 1 gồm các môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Nhật. 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu tại Quyết định 712/QĐ-BGD&ĐT năm 2021.

1. Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2

Căn cứ vào nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng đáp ứng về điều kiện bảo đảm, các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn môn Ngoại ngữ 1 trong số các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Nga, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật hoặc Tiếng Đức theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Lưu ý: 

- Khi thực hiện dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; 

- Thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh; 

- Thực hiện kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp; 

- Việc học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định.

Đối với môn Tiếng Anh, sử dụng SGK trong danh mục SGK được Bộ GDĐT phê duyệt; các môn Ngoại ngữ 1 còn lại thì cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn tài liệu theo thẩm quyền và quy định của Bộ GDĐT.

2. Ngoại ngữ 1 bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5

Các cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT, lựa chọn một trong các môn Ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu học sinh và của cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn Ngoại ngữ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại địa phương để tăng thời lượng và tạo môi trường đa dạng trong dạy học nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ.

2.1 Nội dung, hình thức, phương pháp, thời lượng dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh 

- Nội dung, hình thức và phương pháp dạy học.

Thực hiện dạy học bảo đảm các nội dung, yêu cầu cần đạt trong chương trình các môn Ngoại ngữ 1 theo quy định của Bộ GDĐT; 

Tổ chức dạy học đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết, trong đó ưu tiên phát triển kỹ năng nghe và nói; 

Đa dạng hóa các hình thức dạy và học bao gồm cả học ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường và ngoài trường; 

Tạo môi trường sử dụng và thể hiện bằng ngoại ngữ tối đa cho học sinh, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, giao lưu, phát triển văn hóa đọc sách, truyện bằng ngoại ngữ phù hợp với lứa tuổi, sở thích và giai đoạn học tập của học sinh.

- Thời lượng dạy học

Thực hiện theo quy định của chương trình với thời lượng 140 tiết học/năm học, tương đương 04 tiết/tuần học; 

Khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học tăng cường thời lượng học môn Ngoại ngữ 1 theo nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh theo quy định trên cơ sở khả năng đáp ứng của nhà trường và không gây quá tải cho học sinh.

- Đánh giá kết quả học tập của học sinh

Thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh học các môn ngoại ngữ theo quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GDĐT.

Đánh giá học sinh học ngoại ngữ cần chú trọng xây dựng sự tự tin cho người học, tăng cường việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh. Qua đánh giá kết quả học của học sinh giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp và kỹ thuật dạy học.

Đánh giá sự hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung của học sinh và năng lực đặc thù của môn học được quy định trong chương trình. 

Tập trung chủ yếu vào đánh giá thường xuyên với các kỹ thuật đánh giá đa dạng và phù hợp. 

Thực hiện đánh giá định kỳ nhẹ nhàng, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và không tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh.

Để kiểm tra định kỳ phải bao gồm đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết với tỷ lệ các kỹ năng, loại hình bài tập, số lượng và mức độ nhận thức của câu hỏi phù hợp với việc dạy và học của giáo viên và học sinh và bảo đảm các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình môn học.

2.2. Điều kiện thực hiện chương trình

- Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học

Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị và đồ dùng dạy học theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT để tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1. 

Khuyến khích giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh cùng tham gia làm đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao hiệu quả dạy học.

- Về đội ngũ giáo viên

Sở GDĐT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là UBND tỉnh) thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên và các giải pháp đa dạng khác theo hướng dẫn của Bộ GDĐT để có đủ giáo viên dạy học môn Ngoại ngữ 1 theo quy định.

Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GDĐT ban hành; bảo đảm giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng SGK trước khi được phân công giảng dạy.

- Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo

Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện việc lựa chọn, cung ứng, tập huấn sử dụng SGK theo quy định và hướng dẫn của Bộ GDĐT; 

Phối hợp và giám sát các Nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân có SGK được lựa chọn tổ chức tập huấn cho giáo viên về chương trình môn học và SGK trước khi tổ chức dạy học với SGK được lựa chọn; 

Thực hiện các giải pháp phù hợp để cung ứng SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ, thuận tiện cho học sinh và cha mẹ học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK.

Tài liệu tham khảo thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT. Tăng cường trang bị các tài liệu, học liệu tham khảo cho thư viện nhà trường để hỗ trợ giáo viên và học sinh trong tổ chức các hoạt động dạy học ngoại ngữ.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2162 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;