Hướng dẫn lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động

Hướng dẫn lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động
Nguyễn Thị Diễm My

Lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động phải đáp ứng các yêu cầu nào và các lắp đặt như thế nào? – Như Hải (Phú Yên)

Hướng dẫn lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động

Hướng dẫn lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Yêu cầu lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động

- Các phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định, hiệu chuẩn; việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động tuân thủ quy định tại Điều 19 Luật Khí tượng thủy văn 2015;

- Phương tiện đo, thiết bị phụ trợ trạm khí tượng thủy văn tự động thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia phải có đặc tính, thông số kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 29/2023/TT-BTNMT và được duy trì ổn định trong suốt quá trình sử dụng;

- Tháp (cột) quan trắc để lắp đặt các phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động phải bảo đảm thẳng đứng, chắc chắn và chịu được mọi cấp gió; việc lắp đặt phương tiện đo phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn và bảo đảm chắc chắn, ổn định, không bị ảnh hưởng bởi các vật che chắn xung quanh.

(Khoản 1 Điều 5 Thông tư 29/2023/TT-BTNMT)

2. Hướng dẫn lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động

(i) Lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn tự động tại trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia:

- Trạm khí tượng bề mặt tự động:

Bộ cảm biến đo hướng và tốc độ gió được lắp đặt ở trên tháp (cột) quan trắc tại độ cao từ 10 mét đến 12 mét so với bề mặt đất; hướng Bắc của bộ cảm biến phải trùng với hướng Bắc thực;

Bộ cảm biến đo nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí được lắp đặt trên tháp (cột) quan trắc tại độ cao từ 1,4 mét đến 1,5 mét so với bề mặt đất; bảo đảm không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa và ánh nắng mặt trời;

Bộ cảm biến đo áp suất khí quyển khí được lắp đặt trên tháp (cột) quan trắc tại độ cao tối thiểu 1,5 mét so với bề mặt đất. Vị trí bộ cảm biến đo áp suất khí quyển phải được dẫn độ cao tuyệt đối quốc gia;

Bộ cảm biến đo lượng mưa được lắp đặt trên cánh tay đòn có độ dài từ 0,7 mét đến 1,0 mét được gắn với tháp (cột) quan trắc; miệng hứng nước mưa bảo đảm theo phương nằm ngang và cách bề mặt đất tối thiểu 1,5 mét;

Bộ cảm biến đo nhiệt độ mặt đất được đặt trên bề mặt đất; bộ cảm biến đo nhiệt độ các lớp đất sâu đặt tại các độ sâu: 05 centimet, 10 centimet, 15 centimet, 20 centimet so với bề mặt đất và bảo đảm bộ cảm biến tiếp xúc tốt với các lớp đất;

Bộ cảm biến đo thời gian nắng được lắp đặt trên tháp (cột) quan trắc tại độ cao tối thiểu 1,5 mét so với bề mặt đất, trục bộ cảm biến đặt theo phương Bắc - Nam, góc giữa trục của bộ cảm biến và mặt phẳng theo phương nằm ngang phải bằng với trị số vĩ độ nơi đặt bộ cảm biến; bảo đảm không bị che nắng mặt trời trong ngày;

Bộ cảm biến đo tầm nhìn xa được lắp đặt trên tháp (cột) quan trắc, độ cao từ 1,5 mét đến 2,0 mét so với bề mặt đất, bảo đảm không bị ảnh hưởng của các vật che chắn trong phạm vi hoạt động của bộ cảm biến;

Bộ cảm biến đo bốc hơi được nối với chậu đo bốc hơi thông qua ống bằng nhựa hoặc thép không gỉ để dẫn nước, chậu đo bốc hơi phải bảo đảm đặt theo phương nằm ngang và khoảng cách từ miệng hứng tới bề mặt đất 27 centimet;

- Trạm khí tượng trên cao:

Thực hiện theo quy định tại Phần 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng QCVN 46:2022/BTNMT ban hành tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc khí tượng;

- Trạm ra đa thời tiết và ô-dôn - bức xạ cực tím:

Thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc ra đa thời tiết và ô-dôn - bức xạ cực tím;

- Trạm thủy văn tự động:

Bộ cảm biến đo mực nước: Đối với bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước phải được gắn cố định tại vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0 mét; đối với bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước phải được gắn cố định tại vị trí thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử đã xuất hiện, tối thiểu 20 centimet và không bị bùn cát bồi lấp; mốc tham chiếu để xác định mực nước phải được dẫn độ cao tuyệt đối quốc gia;

Bộ cảm biến đo lưu lượng nước: Bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước được lắp đặt chắc chắn trên tàu, thuyền, ca nô hoặc công trình, bảo đảm quan trắc được lưu lượng nước của toàn bộ mặt cắt ngang sông ở các cấp mực nước; bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước được gắn cố định tại vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0 mét;

Bộ cảm biến đo hàm lượng chất lơ lửng: Tùy theo tính năng và nguyên lý đo của mỗi loại phương tiện đo hàm lượng chất lơ lửng để thực hiện việc lắp đặt bộ cảm biến theo hướng dẫn sử dụng và yêu cầu chuyên môn;

- Trạm hải văn tự động:

Bộ cảm biến đo hướng và tốc độ gió thực hiện như quy định đối với trạm khí tượng bề mặt tự động;

Bộ cảm biến đo mực nước biển: Đối với bộ cảm biến đo không tiếp xúc với nước phải được gắn cố định tại vị trí cao hơn độ cao sóng lớn nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0 mét; đối với bộ cảm biến đo tiếp xúc với nước phải lắp đặt tại vị trí thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử đã xuất hiện tối thiểu 20 centimet và không bị cát bồi lấp; mốc tham chiếu để xác định mực nước biển phải được dẫn độ cao tuyệt đối quốc gia;

Bộ cảm biến đo sóng biển tiếp xúc với nước phải được lắp đặt chắc chắn ở độ sâu gấp 03 lần độ cao sóng lớn nhất tại vị trí đo;

Bộ cảm biến đo nhiệt độ nước biển, độ muối nước biển phải được lắp đặt hoặc gắn cố định trên công trình ở độ cao thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất hiện tối thiểu 50 centimet;

- Trạm đo mưa tự động: Bộ cảm biến đo lượng mưa được lắp đặt trên cột quan trắc, miệng hứng nước mưa bảo đảm đặt theo phương nằm ngang và cách bề mặt đất hoặc mặt nền tối thiểu 1,5 mét;

- Trạm định vị sét theo quy định kỹ thuật về quan trắc giông, sét;

- Trạm bức xạ tự động: Bộ cảm biến được lắp đặt ở độ cao tối thiểu 0,6 mét so với bề mặt đất;

- Trạm đo mặn tự động: Lắp đặt phương tiện đo theo hướng dẫn sử dụng của từng loại phương tiện đo;

- Trạm khí tượng tham chiếu tự động, trạm thủy văn tham chiếu tự động, trạm hải văn tham chiếu tự động: Thực hiện theo quy định của trạm khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn được chọn là trạm tham chiếu.

(ii) Trạm khí tượng thủy văn tự động thuộc công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 48/2020/NĐ-CP:

Căn cứ vào mục đích, nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, đặc điểm, tính chất của công trình mà lựa chọn kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo cho phù hợp và phải bảo đảm hành lang kỹ thuật; có thể lựa chọn áp dụng các quy định tại (i).

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

268 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;