Theo Công văn 4948/LĐTBXH-TCCB ngày 22/11/2018 nguyên tắc, đối tượng, thời điểm, thẩm quyền và quy trình đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:
Nguyên tắc đánh giá
- Đúng thẩm quyền đánh giá;
- Việc đánh giá phải căn cứ vào nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ (làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ);
- Khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, thiên vị, hình thức;
- Việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý (lưu ý mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Thủ trưởng đơn vị không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị);
- Trường hợp công chức, viên chức và NLĐ không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.
Đối tượng đánh giá
Cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP
Thời điểm đánh giá
- Việc đánh giá, phân loại được tiến hành trong tháng 12, trước khi bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm thì Thủ trưởng đơn vị quyết định thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức và NLĐ.
- Nếu chuyển công tác sang đơn vị khác thì đơn vị đó có trách nhiệm đánh giá, phân loại kết hợp với ý kiến nhận xét của đơn vị cũ (trường hợp có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên).
Thẩm quyền đánh giá, phân loại
- Thủ trưởng đơn vị đánh giá, phân loại công chức, viên chức và NLĐ thuộc thẩm quyền quản lý (bao gồm cả Phó Thủ trưởng đơn vị);
- Bộ trưởng đánh giá, phân loại đối với các Thứ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (gồm cả Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục);
Quy trình đánh giá, phân loại
- Công chức, viên chức và NLĐ tự đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao (theo mẫu số 02, 03 ban hành kèm theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP);
- Tổ chức họp để nhận xét, đóng góp ý kiến theo trình tự sau:
Đối với các đơn vị không có cơ cấu cấp Phòng:
- Thủ trưởng đơn vị triệu tập và chủ trì cuộc họp:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị, công chức, viên chức và NLĐ trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác;
- Các thành viên tham gia cuộc họp có ý kiến góp ý về phần tự đánh giá của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng đơn vị, công chức, viên chức và NLĐ theo các nội dung đánh giá phân loại (các ý kiến góp ý tại cuộc họp được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp);
- Cấp ủy đảng cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về công chức, viên chức được đánh giá, phân loại (chỉ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
- Phó Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp và ghi ý kiến của tập thể vào điểm 1 mục III và nhận xét của cá nhân vào điểm 2 mục III mẫu số 02, 03 Nghị định 56/2015 đối với công chức, viên chức và NLĐ được giao trực tiếp quản lý.
- Thủ trưởng đơn vị tham khảo ý kiến tại cuộc họp nêu trên (đã tổng hợp thành biên bản), quyết định đánh giá, phân loại đối với Phó Thủ trưởng đơn vị, công chức, viên chức và NLĐ và ghi vào mục IV mẫu số 02, 03 Nghị định 56/2015 (lưu ý đối với Phó Thủ trưởng đơn vị, Thủ trưởng đơn vị ghi thêm vào điểm 1 mục III mẫu số 02, 03 Nghị định 56/2015).
Đối với đơn vị có cơ cấu Phòng, Khoa và tương đương:
- Lãnh đạo đơn vị được giao phụ trách triệu tập và chủ trì họp toàn thể công chức, viên chức và NLĐ của Phòng để nhận xét, góp ý đối với Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng, công chức, viên chức và NLĐ của Phòng:
- Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng, công chức, viên chức và NLĐ tự trình bày báo cáo tự đánh giá;
- Các thành viên tham gia có ý kiến góp ý về phần tự đánh giá của Trưởng Phòng, Phó trưởng Phòng, công chức, viên chức và NLĐ theo các nội dung đánh giá, phân loại (lưu ý: các ý kiến góp ý tại cuộc họp được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp);
- Trưởng Phòng chịu trách tổng hợp và ghi ý kiến của tập thể vào điểm 1 mục III và nhận xét của cá nhân vào điểm 2 Mục III mẫu số 02, 03 Nghị định 56/2015 đối với Phó trưởng Phòng, công chức, viên chức và NLĐ của Phòng được giao trực tiếp quản lý.
- Thủ trưởng đơn vị triệu tập và chủ trì cuộc họp gồm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Trưởng các Phòng thuộc đơn vị, đại diện cấp ủy, Công đoàn và Đoàn thanh niên để nhận xét, góp ý đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị và Trưởng các Phòng:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị, Trưởng các Phòng trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao;
- Các thành viên tham dự đóng góp ý kiến (lưu ý các ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp);
- Cấp ủy Đảng cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về công chức, viên chức được đánh giá phân loại (chỉ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý);
- Phó Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm tổng hợp và ghi ý kiến của tập thể vào điểm 1 mục III và nhận xét của cá nhân vào điểm 2 mục III số 02, 03 Nghị định 56/2015 đối với Trưởng Phòng được giao trực tiếp quản lý.
- Thủ trưởng đơn vị tham khảo ý kiến đóng góp nêu trên (đã tổng hợp thành biên bản), quyết định đánh giá, phân loại đối với Phó Thủ trưởng đơn vị, Lãnh đạo cấp Phòng, công chức, viên chức và NLĐ của đơn vị và ghi vào mục IV mẫu số 02, 03 Nghị định 56/2015 (lưu ý đối với Phó Thủ trưởng đơn vị, ghi thêm vào điểm 1 mục III mẫu số 02, 03).
- Bộ phận Tổ chức cán bộ gửi Phiếu đánh giá, phân loại của Thủ trưởng đơn vị kèm theo biên bản các cuộc họp, ý kiến bằng văn bản của cấp ủy Đảng và các tài liệu có liên quan về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) chậm nhất trước ngày 05/01 năm liền kề để Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định đánh giá, phân loại đối với Thủ trưởng đơn vị (lưu ý: đối với Phiếu đánh giá, phân loại của Thủ trưởng đơn vị yêu cầu đơn vị ghi tóm tắt ý kiến của tập thể đơn vị vào mục 1 phần III; mục 2 không ghi, không ký).
- Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thông báo kết quả đánh giá, phân loại bằng văn bản cho công chức, viên chức và NLĐ sau 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của người có thẩm quyền đánh giá, phân loại.
- Bộ phận Tổ chức cán bộ có trách nhiệm lưu vào hồ sơ công chức, viên chức và NLĐ: Phiếu đánh giá, phân loại (đã được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân loại và đóng dấu), văn bản thông báo kết quả đánh giá, phân loại và các tài liệu liên quan.
Lưu ý về hồ sơ
- Hồ sơ đánh giá, phân loại Thủ trưởng các đơn vị (gồm phiếu đánh giá, phân loại cá nhân; biên bản cuộc họp; ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đảng; các tài liệu liên quan như công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận).
- Bảng tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức và NLĐ; danh sách những công chức, viên chức và NLĐ không hoàn thành nhiệm vụ yêu cầu nêu rõ lý do không hoàn thành nhiệm vụ (theo mẫu đính kèm).
- Thủy Phú -
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn