Tôi muốn biết việc cập nhật liên thông Giấy chứng sinh các trường hợp bà mẹ không tham gia BHXH được Bộ Y tế hướng dẫn như thế nào? – Thiên Phúc (Đà Nẵng)
Hướng dẫn cập nhật liên thông Giấy chứng sinh các trường hợp bà mẹ không tham gia BHXH (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 02/10/2023, Bộ Y tế đã có Công văn 6259/BYT-KCB về việc cập nhật liên thông Giấy chứng sinh các trường hợp bà mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không có mã số bảo hiểm xã hội.
Theo đó, để giải quyết việc liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh của các trường hợp bà mẹ chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trên cơ sở thống nhất với Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại Công văn 2903/BHXH-CNTT ngày 19/9/2023, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện các nội dung sau:
(1) Bổ sung hướng dẫn tại Công văn 1165/BYT-KCB ngày 7/03/2023 về việc liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định bảo hiểm y tế triển khai Đề án 06; Bổ sung Diễn giải đối với chỉ tiêu số 5 “MA_BHXH_NND” tại mục 2.2 phần III Phụ lục: “Trường hợp mẹ hoặc người nuôi dưỡng chưa tham gia BHXH, BHYT không có mã số BHXH thì để trống”.
(2) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT để liên thông dữ liệu với phần mềm Dịch vụ công liên thông và đảm bảo đầy đủ quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
(3) Ghi Mã số Giấy chứng sinh (chỉ tiêu “MA_GCS”), Mã số Giấy báo tử (chỉ tiêu MA_GBT) phần Phụ lục theo hướng dẫn tại Công văn 1165/BYT-KCB ngày 7/03/2023 lên bản giấy để người dân và cơ quan liên quan có thể tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến khai sinh, khai tử.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế ngành phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, giám sát hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo kết quả, khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Cụ thể:
- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
(Khoản 1, 2, 3 Điều 2 và khoản 1, 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |