Hướng dẫn cách kê đơn thuốc điều trị ngoại trú áp dụng trong năm 2018

Các cơ sở bán lẻ thuốc phải áp dụng đơn thuốc và cách kê đơn thuốc đối với các trường hợp khám bệnh ngoại trú theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT, cụ thể:

 

1. Những nguyên tắc khi kê đơn thuốc

- Chỉ được kê đơn sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh;

- Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. Ưu tiên kê đơn thuốc dạng đơn chất hoặc thuốc generic;

- Việc kê đơn thuốc và số lượng thuốc kê đơn phải phù hợp với một trong các tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hoặc Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và Điều 6 Thông tư 21/2013/TT-BYT;

- Số lượng thuốc phải đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày, trừ trường hợp kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất;

- Không được kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh hay các thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm;

2. Nội dung bắt buộc phải có trong đơn thuốc

- Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh;

- Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố;

- Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ;

- Kê đơn thuốc theo quy định như sau:

a) Thuốc có một hoạt chất:

  • Theo tên chung quốc tế (INN, generic); Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Paracetamol, hàm lượng 500mg thì ghi tên thuốc như sau: Paracetamol 500mg;

  • Theo tên chung quốc tế + (tên thương mại); Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Paracetamol, hàm lượng 500mg, tên thương mại là A thì ghi tên thuốc như sau: Paracetamol (A) 500mg.

b) Thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại.

- Ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc. Nếu đơn thuốc có thuốc độc phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác;

- Số lượng thuốc gây nghiện phải viết bằng chữ, chữ đầu viết hoa;

- Số lượng thuốc chỉ có một chữ số (nhỏ hơn 10) thì viết số 0 phía trước;

- Trường hợp sửa chữa đơn thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sữa;

- Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn theo hướng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải; ký tên, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.

Ngoài ra, tại Thông tư 52/2017/TT-BYT còn hướng dẫn cách kê đơn đối với các loại thuốc gây nghiện; thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc người bị bệnh AIDS; thuốc hướng thần, thuốc tiền chất.

Xem thêm tại Thông tư 52/2017/TT-BYT do Bô Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 01/3/2018.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

7757 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;