"Hợp đồng tình ái" có được pháp luật thừa nhận?

"Hợp đồng tình ái" được tiết lộ trong vụ đại gia kiện hoa hậu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tình tiết rất quan trọng bởi sự tồn tại của hợp đồng này ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ vụ án. Vậy thực tế có tồn tại loại hợp đồng này không và có được pháp luật thừa nhận?

 

Thực tế không thiếu những mối quan hệ ngoài luồng, quan hệ tình - tiền. Để đảm bảo duy trì mối quan hệ này, các bên ký với nhau một hợp đồng và đưa ra những nội dung về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của các bên. Khi cơm lành canh ngọt thì không sao nhưng khi mối quan hệ đến giai đoạn "phai nhạt" buộc phải "rạn nứt", nhiều người chọn cách trả quà, chia tay để chấm dứt mối quan hệ, nhưng không ít trường hợp mang nhau lên báo, hoặc thậm chí ra tòa giải quyết. Lúc đó, hợp đồng tình ái cũng được tiết lộ với những vấn đề gây sốc. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật "hợp đồng tình ái" này có được thừa nhận hay không? 

 

Hợp đồng tình ái được xác lập dựa trên sự thỏa thuận, có chữ ký của các bên và có thể coi đây là giao dịch dân sự. Bộ luật Dân sự 2005 quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ 03 điều kiện sau:

  • Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;

Và dĩ nhiên các bên hoàn toàn có đủ năng lực hành vi dân sự và tự nguyện khi tham gia ký vào hợp đồng tình ái. Tuy nhiên, xét về mục đich và nội dung phải xem cụ thể của giao dịch dân sự đó có vi phạm đạo đức xã hội không?

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Người đã có vợ/chồng nhưng phát sinh quan hệ ngoài luồng với người khác chính là hành vi vi phạm những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Đối với những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì giao dịch đó trở nên vô hiệu và dẫn đến hậu quả pháp lý như sau:

  • Không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. 
  • Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Từ những phân tích trên, ta có thể kết luận: "Hợp đồng tình ái" với mục đích trao đổi tình - tiền là giao dịch dân sự vô hiệu, không có giá trị pháp lý.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1110 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;