Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo là một trong những giải pháp nêu ra tại Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo (Hình từ internet)
Cụ thể, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được quy định như sau:
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng các khu vực biển nhằm điều chỉnh hoạt động giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển;
Sớm ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để khai thác toàn diện tiềm năng tài nguyên biển;
Nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật về kinh phí sự nghiệp tài nguyên môi trường biển ở cấp trung ương và địa phương; tích cực tham gia và chủ động thúc đẩy hình thành cơ chế toàn cầu và khu vực liên quan đến tài nguyên biển và hải đảo.
- Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xã hội kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các đảo, đặc biệt là các đảo tiền tiêu.
- Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển từ trung ương đến địa phương bảo đảm hiện đại, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn cao;
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa trung ương với địa phương về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển và đảo; hình thành cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược.
- Tăng cường năng lực và tổ chức bộ máy quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đủ thẩm quyền thực hiện công tác điều phối, phối hợp và giải quyết những mâu thuẫn chồng chéo giữa các bộ, ngành và địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
- Xây dựng chính sách đầu tư bền vững cho các nhiệm vụ về quản lý tổng hợp biển và hải đảo và đầu tư phát triển các chương trình, dự án và xây dựng công trình kinh tế trọng điểm; xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực biển và hải đảo.
- Xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên, môi trường biển như lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.
Ngoài ra, Chính phủ giao trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược.
- Chủ trì, phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên biển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên biển và hải đảo.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược.
- Đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược vào năm 2025 và đề xuất sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 48/NQ-CP năm 2023.
Dương Châu Thanh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |