Mới đây, Chính phủ đã có quy định về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong đó có hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn từ 20/9/2024.
Hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn từ 20/9/2024 (Hình từ internet)
Ngày 01/8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Theo đó, Hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn được quy định tại Điều 8 Nghị định 106/2024/NĐ-CP như sau:
- Đối tượng được hỗ trợ
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi và được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo gia súc.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ 100% chi phí về vật tư phối giống nhân tạo gia súc gồm tinh đông lạnh, Nitơ lỏng, găng tay và dụng cụ dẫn tinh để phối giống cho trâu, bò cái; tối đa 03 liều tinh/lần có chửa đối với trâu, bò sữa và 02 liều tinh/lần có chửa đối với bò thịt.
+ Hỗ trợ 100% chi phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ tối đa 02 liều tinh/lần phối giống và tối đa 06 liều tinh/nái/năm.
+ Hỗ trợ chi phí cho cá nhân được đào tạo về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò) theo chi phí thực tế tối đa 02 tháng lương cơ bản/người/khóa.
+ Hỗ trợ một lần không quá 30% chi phí mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh cho người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò); mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/bình/người.
+ Hỗ trợ công phối giống nhân tạo gia súc (trâu, bò), mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/con phối giống có chửa.
- Điều kiện được hỗ trợ:
Đáp ứng quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Chăn nuôi và đã thực hiện nghiệm thu kết quả phối giống nhân tạo gia súc. Cụ thể:
Điều 56. Chăn nuôi nông hộ
Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
2. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
3. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quyền sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật;
b) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động chăn nuôi;
c) Được tập huấn, đào tạo về chăn nuôi;
d) Quảng bá sản phẩm theo quy định của pháp luật;
đ) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;
b) Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi;
c) Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi phải đáp ứng nguyên tắc sau đây:
- Hỗ trợ có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng cân đối nguồn lực.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, không chồng chéo, trùng lặp và có hiệu quả.
+ Công khai danh sách tại cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp (trụ sở Ủy ban nhân dân) về đối tượng được hỗ trợ với các thông tin tối thiểu sau: họ tên, địa chỉ được hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, số tiền hỗ trợ.
+ Khi có khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật.
- Chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ được tính toán theo quy định quản lý chi phí đầu tư xây dựng của pháp luật về xây dựng là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
- Chi phí mua bản quyền công nghệ, mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời, mua giống cây để trồng làm cây thức ăn chăn nuôi; chi phí quảng bá thương hiệu sản phẩm; chi phí di dời vật nuôi; chi phí mua vật tư phối giống nhân tạo gia súc, liều tinh, mua bình chứa Nitơ lỏng bảo quản tinh; chi phí mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao và gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ; chi phí mua sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng mới công trình khí sinh học, vật tư, thiết bị, chi phí xét nghiệm; chi phí đào tạo, tập huấn... được lập dự toán theo quy định tại Luật Ngân sách, Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách của Bộ Tài chính là cơ sở để xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
- Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước quy định tại Nghị định 106/2024/NĐ-CP là mức hỗ trợ tối đa. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng chính sách được căn cứ vào chi phí xác định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
- Thực hiện hỗ trợ hằng năm đối với chính sách quy định tại Điều 8, điểm a và c khoản 2 Điều 10 Nghị định 106/2024/NĐ-CP; Hỗ trợ một lần đối với chính sách quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 9 và điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 106/2024/NĐ-CP.
- Tổ chức, cá nhân đã nhận hỗ trợ từ các quy định về chính sách, chương trình, dự án khác có cùng một nội dung tại cùng một thời điểm thì không được nhận hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 106/2024/NĐ-CP. Trường hợp một nội dung hỗ trợ được quy định tại các chính sách khác nhau, tổ chức, cá nhân chỉ được nhận hỗ trợ một lần cho đối tượng nhận hỗ trợ.
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ của các chính sách theo quy định tại Nghị định 106/2024/NĐ-CP thì ưu tiên tổ chức, cá nhân theo các tiêu chí: sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương; ứng dụng công nghệ cao; vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo hoặc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; khả năng tạo việc làm cho người yếu thế; thanh niên khởi nghiệp; phụ nữ làm chủ.
(Điều 4 Nghị định 106/2024/NĐ-CP)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |